Trump thực sự cảm thấy thế nào về các công ty Big Tech?

Diệu Linh
Junior Editor
Trump là một người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ công nghệ? Hay một người theo chủ nghĩa dân túy chống Big Tech?

Khi nhắc đến “Trump” và “công nghệ”, người ta thường hình dung đến Elon Musk và chiếc cưa máy của ông, cùng với hình ảnh các ông lớn của Thung lũng Silicon ngồi hàng ghế đầu trong lễ nhậm chức của tổng thống. Tuy nhiên, bỏ qua những hình ảnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại Liên bang đang thúc đẩy các hành động mạnh mẽ chống lại các công ty Big Tech. Bản thân Donald Trump dự kiến sẽ ký dự luật lưỡng đảng nhằm trấn áp các deep fake trong khi Nhà Trắng tiếp tục theo đuổi việc tách rời công nghệ với Trung Quốc. Vậy, Trump là một người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ công nghệ? Hay một người theo chủ nghĩa dân túy chống Big Tech?
Giống như mọi khía cạnh khác, quan điểm của tổng thống phụ thuộc vào lợi ích cá nhân của ông. Điều đó đã thể hiện rõ vào tuần trước, khi bộ phận Haul của Amazon (bán các mặt hàng giá cực thấp được vận chuyển trực tiếp từ các nhà kho ở Trung Quốc) cân nhắc công bố số liệu cho thấy tác động của thuế quan đối với giá tiêu dùng. Thư ký báo chí của Trump đã nhanh chóng tuyên bố đây là một hành động “thù địch về chính trị”.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, “thật là tốt khi tận dụng được lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập bởi các công ty Big Tech”. Tôi thích ý tưởng Amazon tạo ra một thứ kiểu như “nhãn thành phần chi phí” cho mặt hàng trong chuỗi cung ứng, điều này có thể làm sáng tỏ không chỉ tác động lạm phát của thuế quan, mà còn cho thấy các công ty lớn sẵn sàng chịu bao nhiêu phần trăm chi phí tăng thêm (có thể họ không chịu mấy đâu khi đã chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng).
Amazon đã nhanh chóng dẹp bỏ động thái này. Người sáng lập và chủ tịch điều hành Jeff Bezos đã nói chuyện với tổng thống qua điện thoại. “Jeff Bezos rất tốt bụng,” Trump nói. “Anh ấy thật tuyệt vời. Anh ấy đã giải quyết vấn đề rất nhanh.”
Vụ việc làm sáng tỏ một sự thật lớn hơn, đó là những tín hiệu mâu thuẫn từ chính quyền Trump về công nghệ và quy định. Đây lại là một lĩnh vực chính sách khác mà Nhà Trắng rất mập mờ với công chúng.
Ví dụ, Phó Tổng thống JD Vance có mối liên hệ lâu dài với tỷ phú công nghệ Peter Thiel nhưng cũng là người ngưỡng mộ cựu chủ tịch FTC Lina Khan và cuộc chiến chống độc quyền của bà.
Các biện pháp khắc phục trong vụ kiện độc quyền của Google có khả năng sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, và người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của DoJ, Gail Slater, đã ủng hộ các giải pháp cứng rắn, kêu gọi gã khổng lồ tìm kiếm này chấm dứt thỏa thuận công cụ tìm kiếm mặc định với Apple, bán trình duyệt Chrome và cấp phép dữ liệu tìm kiếm của mình cho các đối thủ cạnh tranh.
Mặc dù Slater không phải là Khan, lập trường ủng hộ thị trường của bà là không tin vào lập luận “nhà vô địch thế giới" lố bịch của Thung lũng Silicon, theo tư tưởng bành trướng càng to càng mạnh càng tốt trong cuộc chiến giành quyền bá chủ công nghệ với Trung Quốc. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên có niềm tin hơn vào hệ thống của mình và không nên nghĩ rằng để cạnh tranh với Trung Quốc, chúng ta phải trở nên giống Trung Quốc hơn,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhà bình luận bảo thủ Sohrab Ahmari.
Slater đã lập luận, giống như nhiều người theo chủ nghĩa tự do, về hành động quản lý để đảm bảo sự đổi mới không bị bóp nghẹt bởi các gã khổng lồ Big Tech cố gắng tiêu diệt hoặc mua lại các công ty khởi nghiệp đe dọa mô hình kinh doanh cốt lõi của họ. Bà dẫn chứng vụ chia tách AT&T thời Reagan, vốn đã đẩy nhanh sự đổi mới trong ngành di động, như một trường hợp điển hình.
Bảo vệ những nhà phát minh, những người có thể tạo ra Google hoặc Meta tiếp theo, có nghĩa là hiểu cách các gã khổng lồ công nghệ xây dựng những “con hào” không thể xuyên thủng xung quanh dịch vụ của họ. Quan điểm này đang thúc đẩy một vụ kiện mới của FTC chống lại Uber, trong đó cơ quan quản lý cáo buộc gã khổng lồ taxi công nghệ này đã gây khó khăn cho người dùng khi muốn hủy dịch vụ đăng ký của họ (Uber phủ nhận các cáo buộc này). Kiểu phản pháo lại các cáo buộc pháp lý như thế này là thách thức sự bất đối xứng thông tin và sự mập mờ trong mô hình kinh doanh của Big Tech, cũng như cách tiếp cận của chính quyền Joe Biden.
Tuy nhiên, Trump không phải là Biden. Chính phủ trước đây đã giới thiệu lại ý tưởng về quyền lực trong kinh tế chính trị, và sử dụng nó để đo lường ảnh hưởng của các công ty Big Tech. Ý tưởng rằng bạn phải nhìn xa hơn mô hình phúc lợi người tiêu dùng để điều tiết nền kinh tế kỹ thuật số (chủ yếu là nền kinh tế trao đổi thông tin) là dũng cảm, mới mẻ và đúng đắn.
Tuy nhiên, tổng thống thứ 47 đang coi quyền lực như một thứ công cụ quản lý mà không cần hướng dẫn sử dụng.
Ví dụ, hãy xem cách Trump đã hành xử trong vụ kiện chống độc quyền “mua tất hoặc chôn cất” của FTC chống lại Meta. Như tờ The Wall Street Journal đã đưa tin, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã vận động hành lang Trump một cách thân mật với hy vọng ông sẽ buộc FTC chấp nhận đề nghị giải quyết vụ kiện 450 triệu đô la của công ty, con số này chỉ là một phần nhỏ so với 30 tỷ đô la mà cơ quan này đã yêu cầu.
Rõ ràng là Zuckerberg khá tự tin rằng Trump sẽ ủng hộ mình. Nhưng kết cục lại không như thế, đơn giản vì những người cuối cùng nói chuyện với Trump là từ FTC chứ không phải Meta. Nhưng trước đó chẳng ai nghi ngờ việc Trump vẫn có thể chiều theo Zuckerberg hoặc Google, nới lỏng biện pháp chống độc quyền để đổi lấy một số ưu ái cá nhân hoặc chính trị.
Lĩnh vực duy nhất mà Trump dường như không thể quay xe là động thái tách rời công nghệ với Trung Quốc. Hãy chứng kiến lệnh cấm xuất khẩu mới đối với chip trí tuệ nhân tạo của Nvidia. Tuy nhiên, cách tiếp cận thuế quan tổng thể của ông đã khiến EU đe dọa áp dụng thuế kỹ thuật số lớn đối với các công ty ở Thung lũng Silicon. Việc Mỹ đang chiến đấu với châu Âu cùng lúc với Trung Quốc sẽ khiến phần còn lại của thế giới ít muốn nằm trong quỹ đạo công nghệ của Mỹ hơn. Hơn nữa, thuế quan có khả năng gây tổn hại cho các công ty nhỏ nhiều hơn các công ty lớn, nghĩa là những người lớn có thể ngày càng lớn hơn.
Miễn là họ dường như đứng về phía Trump, tôi nghi ngờ ông ấy sẽ quan tâm.
FT