Trump đã tạo cơ hội cho EUR cạnh tranh với đồng USD

Diệu Linh
Junior Editor
Từ lâu, Liên minh châu Âu (EU) đã khao khát EUR có thể cạnh tranh với USD để giành vị thế thống trị toàn cầu, hoặc ít nhất là đạt được chủ quyền tiền tệ ngay tại khối. Giờ đây, việc Washington tự phá hoại dưới thời Donald Trump là một cơ hội vàng để hiện thực hóa giấc mơ đó.

Và chuyện đó chỉ có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo châu Âu có thể vượt qua sự rụt rè về chính trị để nắm bắt cơ hội.
Đúng là, như trong nhiều lĩnh vực chính sách kinh tế, không rõ mục tiêu của chính quyền Trump đối với đồng bạc xanh là gì. Một số thành viên của chính quyền nghĩ rằng sức hấp dẫn của đồng USD – “đặc quyền quá mức” (exorbitant privilege) là được đảm bảo tín dụng giá rẻ từ phần còn lại của thế giới – trên thực tế lại là một gánh nặng quá lớn, khi đẩy giá trị đồng tiền lên cao, làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ. Những người khác, đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, lại nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết thực hiện chính sách đồng USD mạnh.
Cũng có một nỗ lực nhằm chiếm lĩnh thị trường non trẻ cho các khoản thanh toán xuyên biên giới thông qua stablecoin USD, tạo ra một nguồn cung cấp tài sản Kho bạc Mỹ bị kiểm soát khác.
Chính quyền có thể chưa quyết định rõ ràng, nhưng các nhà đầu tư ngày càng có lập trường của riêng mình. Thuế quan “ngày giải phóng” của Trump đã kéo theo một phản ứng thị trường rất bất thường trước sự gia tăng rủi ro toàn cầu: bán tháo cả Trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD nói chung. Ít nhất là hiện tại, các nhà quản lý tiền tệ toàn cầu không còn coi đồng bạc xanh là tài sản trú ẩn đứng đầu nữa.
Niềm tin vào đồng USD đã bị lung lay bởi chính sách thuế quan của Trump, nhưng cũng bởi vì đội ngũ của ông đưa ra những ý tưởng chính sách tài chính kỳ lạ. Bao gồm cả việc ép buộc chuyển đổi Trái phiếu Kho bạc hoặc tính phí cho đặc quyền cho chính phủ Mỹ vay tiền. Hành động hung hăng của chính quyền chống lại pháp quyền khiến mọi yêu cầu pháp lý trở nên không chắc chắn, bao gồm cả các yêu cầu pháp lý về tài chính.
Liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có nghe thấy tiếng kêu cứu của thị trường không? Đó chính là thị trường đòi hỏi một tài sản thay thế. Nếu có lúc nào chín muồi cho đồng EUR phất cờ khởi nghĩa, thì đó là khi các quốc gia khu vực đồng euro phát hành một lượng lớn và lâu dài nợ chung để dần thay thế bức tranh phân mảnh của Trái phiếu quốc tế chính phủ quốc gia, thì đây chính là lúc đó. Các nhà đầu tư toàn cầu sẽ săn đón một tài sản an toàn quy mô lớn và có tính thanh khoản cao của khu vực đồng euro.
Không cần phải nói, khung chính trị cho điều nước đi này vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng các bước đơn giản hơn có thể được thực hiện trong thời gian ngắn để khai thác sai lầm của Mỹ thành cơ hội cho châu Âu. Thứ nhất, hoãn việc trả nợ theo kế hoạch đối với khoản nợ toàn EU đã vay để cấp vốn cho quỹ “Next Generation EU” sau đại dịch. Khoản nợ này, lẽ ra sẽ giảm dần trong 30 năm đến năm 2058, thay vào đó nên được gia hạn vô thời hạn.
Thứ hai, hợp nhất các khoản nợ khác nhau đã được phát hành với sự bảo lãnh chung của các quốc gia thành viên EU. Một tổ chức phát hành và bộ trái phiếu duy nhất có thể theo thời gian thay thế bức tranh chắp vá của các trái phiếu quốc gia, cũng như bao gồm tất cả các khoản mới, chẳng hạn như khoản cho kế hoạch gộp 150 tỷ euro chi tiêu quốc phòng đang được đề xuất.
Thứ ba, EU có thể cấp vốn trước cho các khoản chi tiêu trong tương lai. Trong hai năm tới, các quốc gia thành viên sẽ đàm phán một ngân sách bảy năm với tổng số tiền hơn 1 nghìn tỷ euro. Việc vay trước thời hạn có thể được điều chỉnh để duy trì một lượng nợ tổng thể lớn và ổn định của EU.
Những sáng kiến như vậy sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nắm giữ số lượng lớn tiền một cách an toàn bằng đồng euro và đảm bảo rằng EU cam kết phát triển một thị trường tài sản euro sâu và có tính thanh khoản cao trong dài hạn. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí vay của châu Âu đúng lúc các quốc gia thành viên đang chuẩn bị đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và chính sách công nghiệp.
Sự thay đổi về mức độ an toàn tương đối của tài sản bằng đồng USD và euro không phải là yếu tố duy nhất ưu tiên đồng euro. Trong lịch sử, các doanh nghiệp toàn cầu lựa chọn tiền tệ chung dùng để lập hóa đơn và cấp vốn trước khi các quốc gia lựa chọn loại tiền dự trữ. Hãy tự hỏi điều này: nếu bạn ngừng giao dịch với Mỹ, liệu bạn có cần nắm giữ đồng tiền của họ không? Và nếu Trump loại bỏ thặng dư song phương của mọi quốc gia với Mỹ, làm thế nào họ có thể tiếp tục tích lũy các tài sản của Mỹ?
Nói cách khác, triển vọng thương mại toàn cầu cũng quan trọng đối với các vấn đề tiền tệ. Châu Âu có thể sử dụng các nước đi có lợi cho mình để làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới nhằm nâng cao sức hấp dẫn của đồng euro. Điều đó đòi hỏi không chỉ thực hiện theo định hướng vạch ra một cách nghiêm túc – chẳng hạn như thông qua thỏa thuận thương mại với khối Mercosur. Nó còn đòi hỏi việc cung cấp các công cụ tài chính để khuyến khích giao dịch bằng đồng euro, từ các đường hoán đổi (swap lines) với các đối tác thương mại đến một loại tiền kỹ thuật số được thiết kế để phục vụ thương mại doanh nghiệp xuyên biên giới. Việc thống nhất các thị trường chứng khoán và cái gọi là “chế độ thứ 28” của EU về luật doanh nghiệp nên giúp tăng vốn rủi ro bằng đồng euro.
Những biện pháp này hầu hết đã được biết đến, nhưng động lực chính trị còn thiếu. Điều cần thiết là các nhà lãnh đạo phải thấy mối liên hệ của chúng với mục tiêu địa chính trị là tự chủ khỏi sự thất thường của Mỹ, để hiểu sự cấp bách hiện nay.
FT