Nước Mỹ thời Trump: Từ “quốc gia không thể thay thế” đến vị thế lung lay

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Trong khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục triển khai các chính sách thuế quan thiếu nhất quán, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent vẫn ra sức giải thích mọi bước ngoặt như thể đều nằm trong tính toán. Nhưng với phần còn lại của thế giới, nỗ lực đó chỉ khiến chính quyền Mỹ trông thêm lúng túng. Các quan chức Nhà Trắng đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi để đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại trong bối cảnh thị trường tài chính đầy bất ổn – và họ muốn thế giới tin rằng đây là một chiến lược bài bản?

Thực tế, chiến lược của Trump không chỉ mơ hồ mà còn thiếu hiệu quả. Nhưng ngay cả với một chính quyền có năng lực hơn, việc định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu cũng là điều không dễ dàng. Vai trò từng giúp Mỹ dẫn dắt cuộc chơi – từ sức mạnh vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến đến thị trường tiêu dùng khổng lồ – đang ngày càng bị Trung Quốc san lấp. Nếu trước đây Mỹ từng được ca ngợi là “quốc gia không thể thay thế”, thì ngày nay, điều đó không còn đúng trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.
Mỹ lùi dần trong cuộc đua công nghệ xanh
Trong thời kỳ hậu Thế chiến II, Mỹ từng định hình lại kinh tế Tây Âu bằng Kế hoạch Marshall – cung cấp viện trợ tài chính, công nghệ và tiếp cận thị trường Mỹ. Nhưng những lợi thế ấy đã phai nhạt. Ngân sách viện trợ của Mỹ hiện nay thua xa Trung Quốc, trong khi cơ quan USAID gần như không còn hoạt động thực chất.
Chính quyền Biden đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn. Tuy nhiên, việc thiếu hụt đầu tư dài hạn – cả từ chính phủ lẫn doanh nghiệp Mỹ – khiến nước này bị tụt lại trong cuộc đua công nghệ xanh. Ngày nay, nếu một quốc gia muốn đầu tư điện mặt trời, điện gió hay phát triển xe điện, thì nguồn cung tốt nhất thường đến từ Trung Quốc – với sản phẩm giá rẻ nhờ được trợ cấp mạnh.
Trung Quốc đang thống trị lĩnh vực công nghệ xanh toàn cầu
Theo Rhodium Group, Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu trong xuất khẩu pin mặt trời, pin lithium-ion và xe điện bán thành phẩm. Trong khi đó, Mỹ dù đã ban hành nhiều chính sách thuế và trợ cấp để khuyến khích sản xuất nội địa, vẫn chưa thể vươn lên vị thế cạnh tranh xuất khẩu.
Đầu tuần này, chính quyền Biden công bố mức thuế sốc lên tới 3,521% đối với pin mặt trời nhập từ Đông Nam Á – một nỗ lực bảo vệ ngành trong nước, nhưng khó giúp Mỹ trở thành người chơi lớn trên thị trường toàn cầu.
Thị trường nội địa: con bài cuối cùng của nước Mỹ?
Thế nhưng Mỹ vẫn còn một lợi thế: thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ. Theo OECD, trong năm 2019 – thời điểm chưa có COVID-19, Mỹ chiếm 17,5% nhu cầu tiêu dùng toàn cầu (tính theo giá trị gia tăng), cao hơn cả Trung Quốc (9.7%) và Liên minh châu Âu (11.3%).
Từ lâu, Mỹ đã dùng quyền tiếp cận thị trường như một “đòn bẩy” để yêu cầu các đối tác giảm thuế, chấp nhận quy định về sở hữu trí tuệ... Nhưng “đòn bẩy” ấy ngày càng yếu. Sau khi Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP năm 2017, 11 nước còn lại vẫn tiến hành ký CPTPP – thậm chí gỡ bỏ nhiều điều khoản do Mỹ áp đặt trước đó.
Chính quyền Biden đã cố gắng lấy lại ảnh hưởng với “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng” (IPEF). Tuy nhiên, kế hoạch này lại gây khó hiểu khi yêu cầu các nước tuân thủ tiêu chuẩn lao động Mỹ mà không đưa ra ưu đãi tiếp cận thị trường.
“Chơi bài xấu” và cái giá phải trả
Trump giờ chọn chiến thuật dọa rút quyền tiếp cận thị trường bằng cách áp thuế cao, rồi dùng việc gỡ bỏ thuế như một “phần thưởng” nếu đạt thỏa thuận. Nhưng đây là cách “dùng gậy mà không có cà rốt”. Độ tin cậy của lời đe dọa này phụ thuộc vào biến động thị trường tài chính, còn khả năng ông giữ lời sau khi đạt được thỏa thuận cũng khiến nhiều người nghi ngờ.
Trong ván bài thương mại toàn cầu, Trump được giao một bộ bài yếu – và ông đang chơi nó một cách tệ hại. Chính quyền Mỹ hiện không còn đủ nguồn viện trợ, công nghệ hay sức hấp dẫn thị trường để chi phối cuộc chơi như trước. Và nếu cứ tiếp tục hành xử thất thường như hiện nay, rất có thể nước Mỹ sẽ không bao giờ giành lại được vai trò “quốc gia không thể thay thế”.
Financial Times