IMF cảnh báo thương chiến sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Niềm tin kinh tế toàn cầu đang lao dốc, thị trường tài chính biến động mạnh khi căng thẳng thương mại do Mỹ khơi mào khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên u ám. Cảnh báo này được đưa ra trong một báo cáo của Financial Times phối hợp với Viện Brookings, ngay trước thềm các cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới tại Washington trong tuần này.

Theo chỉ số theo dõi kinh tế toàn cầu Brookings-FT (Tiger Index), các chỉ số niềm tin giảm mạnh, điều kiện tài chính xấu đi rõ rệt – một cú đảo chiều so với khởi đầu năm đầy lạc quan.
Ông Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế tại Viện Brookings, cho rằng tuy chưa đến mức dự báo suy thoái toàn cầu, nhưng sự gián đoạn thương mại cùng bất ổn chính sách ngày càng lớn sẽ kìm hãm tăng trưởng mạnh mẽ. “Bất kỳ nền kinh tế nào phụ thuộc vào thương mại đều sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể đến tác động lan rộng đến tâm lý thị trường,” ông nói.
Trong khi đó, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo IMF sắp hạ dự báo tăng trưởng do biến động thị trường tài chính tăng cao và bất ổn thương mại “vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Hồi tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 đạt 3.3%. Nhưng sau khi Tổng thống Trump công bố áp thuế hàng loạt vào ngày 2/4, thị trường tài chính lao dốc, kéo theo hàng loạt dự báo tăng trưởng bị điều chỉnh giảm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cắt giảm lãi suất xuống còn 2.25%, cảnh báo triển vọng tăng trưởng đang xấu đi vì căng thẳng thương mại.
Chỉ số Tiger của FT-Brookings
Chỉ số Tiger cho thấy niềm tin ở Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này ra đời. Trung Quốc và Đức cũng ghi nhận mức niềm tin thấp. Dù một số chỉ số kinh tế thực của Mỹ vẫn ổn định, nhưng đây là dữ liệu cũ, chưa phản ánh tác động từ chính sách thuế mới của chính quyền Trump.
Doanh số bán lẻ Mỹ tăng 1.4% trong tháng 3, chủ yếu nhờ sức mua ô tô tăng mạnh trước khi thuế nhập khẩu có hiệu lực.
Tuy nhiên, bất ổn chính sách đang làm giảm mạnh niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đầu tư và việc làm. Ông Prasad cũng cảnh báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hỗ trợ nền kinh tế sẽ bị giới hạn do áp lực lạm phát từ thuế quan.
Khi IMF chuẩn bị công bố dự báo mới vào tuần tới, các chuyên gia thị trường như Citigroup đã sớm điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu xuống 2.1%, đồng thời cảnh báo rủi ro đang nghiêng hẳn về phía bất lợi.
Cuộc họp ở Washington lần này cũng sẽ làm rõ lập trường của chính quyền mới của Mỹ đối với IMF và Ngân hàng Thế giới. Mỹ – quốc gia góp vốn nhiều nhất vào hai tổ chức này – hiện vẫn chưa bổ nhiệm giám đốc thường trực mới cho hai hội đồng quản trị.
Dù chưa chính thức thể hiện ý định rút vốn như trong đề xuất của nhóm bảo thủ Heritage Foundation, chính quyền Mỹ đã bắt đầu rà soát vai trò của mình trong các thể chế toàn cầu.
Một số nghị sĩ Cộng hòa muốn IMF tập trung trở lại nhiệm vụ cốt lõi như giám sát kinh tế vĩ mô, thay vì tài trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu.
Financial Times