Từ lý thuyết đến thực chiến: Thương mại toàn cầu 'thử lửa' trước cuộc chiến thuế quan

Huyền Trần
Junior Analyst
Dưới tác động của các chính sách thuế quan từ chính quyền Trump, những nguyên tắc thương mại toàn cầu tưởng chừng vững chắc đang bị đặt trước phép thử khắc nghiệt. Khi lý thuyết kinh tế chưa từng được kiểm chứng trong bối cảnh xung đột thương mại quy mô lớn, rủi ro từ suy thoái, trả đũa và bất ổn tài chính ngày càng hiện rõ. Giữa làn sóng biến động, nhà đầu tư buộc phải đưa ra quyết định mà không có bất kỳ sự chắc chắn nào để bấu víu.

Sự kiện tuần qua liên quan đến quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi nhớ đến thời điểm năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đó. Mọi quy chuẩn từng được xem là nền tảng cho thương mại toàn cầu suốt hơn 80 năm qua dường như đang bị đảo lộn. Những gì từng vận hành hiệu quả trong quá khứ giờ đây có thể không còn phù hợp. Và hậu quả kinh tế — không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trên toàn thế giới — hoàn toàn không thể đoán định. Trong thời đại hiện đại, chưa từng có một cuộc chiến thương mại quy mô lớn nào xảy ra, đồng nghĩa với việc các lý thuyết kinh tế hiện hành vẫn chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn khắc nghiệt.
Chúng ta buộc phải chấp nhận một thực tế: Không có sự tiên đoán chắc chắn trong bối cảnh này. Điều đó đồng nghĩa, nếu tiếp tục đòi hỏi sự chắc chắn hoặc ít nhất là sự tự tin trước khi hành động, thì kết quả có thể chỉ là sự bất động.
Mặt khác, nếu tin rằng mình đã có đủ cơ sở để hành động một cách tự tin, rất có thể điều đó xuất phát từ sự ngộ nhận. Những quyết định quan trọng đôi khi phải được đưa ra trong bối cảnh thiếu vắng mọi yếu tố đảm bảo.
Đồng thời, cần nhận thức rằng: Không hành động cũng là một lựa chọn. Việc giữ nguyên danh mục đầu tư không nên được xem là "bảo toàn," mà phải được đánh giá nghiêm túc tương tự như mọi quyết định điều chỉnh. Những biến động tiêu cực thường mở ra cơ hội đầu tư lớn nhất, song cũng đồng thời khiến nhà đầu tư e ngại. Chính trong bối cảnh bất lợi đó, những hành động dứt khoát mới mang lại lợi thế lớn nhất.
Xét về chính sách thuế quan, mục tiêu mà chính quyền Trump đặt ra nghe qua có vẻ hợp lý. Hỗ trợ ngành sản xuất trong nước — chẳng phải đó là điều chính phủ nên làm? Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Trong kinh tế học, luôn tồn tại những tác động bậc hai, bậc ba và chúng thường rất lớn, rất khó lường. Các hệ quả tiềm ẩn của chính sách thuế bao gồm sự trả đũa từ các quốc gia khác, chi phí hàng hóa tăng cao, thậm chí là suy thoái kinh tế.
Giả sử mục tiêu của chính quyền là đạt được: Hàng hóa tiêu thụ tại Mỹ sẽ được sản xuất tại Mỹ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu nước Mỹ có đủ năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa? Nếu chưa, thì cần bao lâu để xây thêm nhà máy?
Trong lúc đó, chuỗi cung ứng sẽ vận hành ra sao? Có đủ lao động cho sản xuất không? Và liệu Mỹ có thể sản xuất hàng hóa với chất lượng và giá thành tương đương hàng nhập khẩu?
Dù chưa có câu trả lời chính xác, một điều gần như chắc chắn: Hàng sản xuất tại Mỹ sẽ đắt hơn so với các sản phẩm nhập khẩu mà người tiêu dùng đã quen dùng. Điều này đồng nghĩa mức sống có thể bị thu hẹp. Giá cao hơn cũng khiến lượng tiêu thụ sụt giảm, kéo theo biên lợi nhuận giảm và rốt cuộc là cắt giảm việc làm, thậm chí dẫn đến suy thoái.
Quan trọng hơn, tác động của chính sách thuế quan không dừng lại ở phạm vi kinh tế mà lan rộng sang cả quan hệ quốc tế. Thương mại toàn cầu kể từ sau Thế chiến II đã đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống tại hầu hết các quốc gia. Dù không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau, nhưng gần như mọi quốc gia đều tốt hơn so với khi không có thương mại tự do.
Yếu tố cốt lõi tạo nên thành tựu đó là lợi thế so sánh: Mỗi quốc gia đều có lĩnh vực sản xuất hiệu quả hơn và những lĩnh vực kém hiệu quả hơn. Khi quốc gia này tập trung làm cái tốt nhất của mình và trao đổi phần còn lại với thế giới, hiệu suất toàn cầu sẽ được tối ưu hóa và lợi ích tập thể tăng lên. Khi tiến trình này bị cản trở, tất cả đều thiệt hại.
Vậy, nếu căng thẳng thương mại leo thang, Fed sẽ phản ứng ra sao? Nguy cơ suy thoái có thể buộc Fed đẩy nhanh việc hạ lãi suất. Nhưng nếu lạm phát trỗi dậy, việc giảm lãi suất có thể bị trì hoãn. Một lần nữa, không ai có thể biết chắc kết cục sẽ thế nào.
Còn thị trường tài chính thì sao? Chỉ trong vài ngày, chứng khoán đã lao dốc mạnh. Như thường lệ, câu hỏi đặt ra là: phản ứng đó có hợp lý không, hay đã quá đà, hoặc vẫn chưa phản ánh hết rủi ro? Nhưng lần này, câu hỏi đó càng khó trả lời hơn. Nếu các mức thuế được giữ nguyên và dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Ngược lại, nếu các bên chịu lùi bước dưới sức ép từ chính trường và thị trường và điều chỉnh chính sách theo hướng ôn hòa hơn, thương mại tự do vẫn có thể lấy lại vị thế.
Chúng ta vẫn phải chờ xem hồi kết ra sao.
Financial Times