Mỹ hạ nhiệt thuế quan: Liệu có cứu được 'uy tín' của đồng USD?

Trà Giang
Junior Editor
Sau phiên tăng ngoạn mục đầu tuần – ghi nhận mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ – đồng USD đã nhanh chóng hụt hơi trong phiên giao dịch kế tiếp, cho thấy tâm lý thị trường vẫn chưa thực sự tin tưởng vào một chu kỳ tăng giá mới của đồng bạc xanh.

Động lực đến từ thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã không đủ sức thay đổi toàn cảnh thị trường ngoại hối toàn cầu đang bị chi phối bởi sự hoài nghi sâu sắc về tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và các rủi ro địa chính trị kéo dài.
Theo dữ liệu từ Depository Trust & Clearing Corporation (DTCC), các vị thế quyền chọn đang nghiêng về chiều giảm giá đối với USD, với giá trị danh nghĩa của các hợp đồng cược USD giảm lên tới 61 tỷ USD – vượt qua mức 55 tỷ USD của các hợp đồng kỳ vọng USD tăng giá. Mặc dù đồng USD đã tăng 1% trong phiên thứ Hai – nhờ thỏa thuận tạm thời hạ thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, mang lại hy vọng tránh được suy thoái – nhưng các dòng tiền đầu cơ vẫn tỏ ra dè dặt. Các quỹ đầu cơ đã bắt đầu thu hẹp vị thế bán khống USD, song vẫn chưa thấy sự quay lại rõ nét của lực mua mới trên cả thị trường giao ngay và quyền chọn.
Các chuyên gia nhận định đà phục hồi này chủ yếu là hệ quả của việc tháo dỡ những vị thế được thiết lập sau "Ngày Giải phóng" (Liberation Day) – thời điểm Mỹ tuyên bố áp thuế ồ ạt với Trung Quốc. Kristoffer Kjaer Lomholt, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối và doanh nghiệp tại Danske Bank, gọi đợt tăng vừa qua là "sự đảo ngược tạm thời" chứ không phải là sự khởi đầu cho một chu kỳ USD mạnh mới. Giới đầu tư dường như đang chờ thêm tín hiệu rõ ràng hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và môi trường chính sách toàn cầu trước khi có thể thay đổi cấu trúc phân bổ tài sản tiền tệ.
Trong bức tranh biến động này, các đồng tiền trú ẩn như yên Nhật và franc Thụy Sĩ là những nạn nhân rõ nét nhất khi nhu cầu phòng thủ suy yếu. Đồng bảng Anh cũng không tránh khỏi áp lực. Trái lại, các quyền chọn đối với euro, nhân dân tệ và krone Na Uy lại phản ánh niềm tin vào khả năng USD quay lại xu hướng yếu – với 2/3 các hợp đồng quyền chọn đặt cược vào kịch bản đồng bạc xanh suy yếu trong trung hạn. Riêng EUR/USD tăng nhẹ 0.2% lên 1.1113, sau khi giảm tới 1,5% trong phiên trước đó.
George Saravelos – Trưởng chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank – nhận xét: “Trong vài tuần gần đây, các tín hiệu vĩ mô và dòng chảy thông tin toàn cầu đang ngày càng nghiêng về phía các nền kinh tế ngoài nước Mỹ, từ đó tạo thêm sức ép lên đồng USD”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Việc Mỹ bớt đối đầu hơn về thương mại sẽ giúp hỗ trợ USD trong ngắn hạn, bởi sẽ giảm rào cản cho dòng vốn toàn cầu đổ vào nền kinh tế này – dù tổn thất từ giai đoạn trước đã để lại dấu ấn sâu sắc về mức độ phân bổ vốn.”
Hoạt động trên thị trường quyền chọn đã có phần sôi động hơn trong phiên đầu tuần, nhưng vẫn tương đối dè dặt nếu so với các thời điểm bùng nổ thông tin. Khối lượng giao dịch chỉ cao hơn 10% so với mức trung bình ba tháng, và vẫn thấp hơn 30–35% so với những giai đoạn có thông tin chấn động như việc Đức đình chỉ “rào chắn nợ” hay đợt tăng thuế mạnh của Mỹ hôm 2/4.
Theo các chiến lược gia của Macquarie – Thierry Wizman và Gareth Berry – niềm tin vào Mỹ như một “đối tác tín nhiệm tuyệt đối” trong mắt các nhà đầu tư quốc tế đã bị xói mòn và sẽ chưa thể sớm phục hồi sau những tổn thất về uy tín do chính sách thuế đột ngột của Washington trong tháng Tư. “Điều này sẽ giới hạn khả năng tăng của đồng USD trong ngắn hạn, trước khi nó tiếp tục xu hướng giảm giá vốn đã bắt đầu trước cả khi căng thẳng thương mại leo thang,” họ nhận định.
Trên thị trường quyền chọn, các chỉ số "risk reversal" – phản ánh chênh lệch giữa quyền chọn mua và bán – tiếp tục cho thấy tâm lý bi quan dài hạn đối với USD, dù cường độ đã giảm nhẹ so với tuần trước. Elias Haddad, chuyên gia chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman, kết luận: “Chính sách thương mại mang màu sắc bảo hộ của Mỹ đang gia tăng nguy cơ nền kinh tế rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ (stagflation). Trong bối cảnh đó, đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá.”
Bloomberg