Lằn ranh giàu nghèo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Huyền Trần
Junior Analyst
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang thúc đẩy đổi mới ở tầng lớp tinh hoa Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện và AI. Tuy nhiên, người lao động phổ thông lại đối mặt với mất việc và thu nhập bấp bênh do xuất khẩu suy giảm và thị trường lao động dư thừa. Chính phủ nhiều khả năng sẽ không tung ra gói kích thích lớn, khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc.

Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến đời sống người dân Trung Quốc không đồng đều – tùy vào vị thế kinh tế và trình độ kỹ năng, mỗi nhóm có cảm nhận khác nhau.
Với một bộ phận, căng thẳng thương mại lại là chất xúc tác thúc đẩy đổi mới. Các hãng sản xuất xe điện đang tăng tốc, tung ra loạt mẫu xe sang, tính năng tự lái và công nghệ sạc pin mới cho phép nạp năng lượng gần nhanh bằng việc đổ xăng. Thay vì nhắm đến thị trường Mỹ, các doanh nghiệp như BYD đang cạnh tranh trực tiếp với Tesla tại những khu vực đang tăng trưởng nhanh như Đông Nam Á.
Xuất hiện thêm khái niệm "lợi tức kỹ sư", phản ánh thành quả từ chính sách đầu tư mạnh vào giáo dục khoa học và công nghệ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thành công của mô hình AI DeepSeek, ra mắt vào cuối tháng 1, cho thấy Trung Quốc không chỉ là công xưởng toàn cầu – một vị thế đang bị thách thức bởi các mức thuế quan từ phía Mỹ – mà còn có khả năng vươn lên trong lĩnh vực phần mềm, nơi lâu nay là thế mạnh độc quyền của Mỹ. Gần như mỗi tuần, các công ty công nghệ Trung Quốc đều trình làng những mô hình và ứng dụng AI mới.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cao cấp tại Thượng Hải đang hồi sinh nhờ đà tăng của thị trường chứng khoán. Các trung tâm công nghệ như Hàng Châu và Thâm Quyến cũng ghi nhận giao dịch nhà ở khởi sắc sau bốn năm sụt giảm.
Quan trọng hơn, Trung Quốc hiện không còn phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng Mỹ như trước. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chỉ còn chiếm 15% tổng kim ngạch năm ngoái, giảm so với mức 20% cách đây một thập kỷ. Dù kịch bản xấu nhất xảy ra – toàn bộ giao thương với Mỹ bị đình trệ – thì nền kinh tế Trung Quốc cũng chỉ suy giảm khoảng 3%.
Tuy nhiên, ẩn dưới bức tranh kiên cường đó là những nỗi lo rất thực về sinh kế, đặc biệt trong tầng lớp lao động phổ thông. Xuất khẩu – điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế ảm đạm – đang suy yếu, khiến cạnh tranh việc làm càng trở nên khốc liệt hơn. Nhu cầu lao động trong các nhà máy giảm do tự động hóa, trong khi ngành xây dựng cũng nguội lạnh sau một thập kỷ bùng nổ. Năm ngoái, chỉ hơn 40% lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng, so với hơn 50% vài năm trước.
Ngành dệt may – nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ ba sang Mỹ sau thiết bị truyền thông và điện tử – có thể chịu thiệt hại nặng. Ngành này trung bình tạo ra hơn 25 việc làm cho mỗi 1 triệu nhân dân tệ (138,000 USD) GDP. Theo Goldman Sachs, khoảng 16 triệu việc làm có thể bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới từ Mỹ.
Việc những người lao động mất việc chuyển sang ngành nào sẽ có tác động lan tỏa đến lực lượng lao động phổ thông gần 425 triệu người của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nhiều người đã chuyển sang làm việc trong nền kinh tế phi chính thức như giúp việc, lái xe công nghệ, giao hàng, hoặc trở thành người phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ngành trong số đó cũng đã đến ngưỡng bão hòa. Số lượng tài xế xe công nghệ tăng 27% trong năm ngoái, đạt 38 triệu người, khiến một số địa phương cảnh báo về tình trạng dư thừa.
Thu nhập trung bình hàng tháng của tài xế vì thế cũng sụt giảm.
Ngay cả ngành livestream – vốn thu hút giới trẻ mong muốn cuộc sống hào nhoáng – cũng không mang lại nhiều thu nhập. Một khảo sát học thuật gần đây cho thấy 93% người phát trực tiếp kiếm dưới 3,000 nhân dân tệ mỗi tháng, chưa bằng một nửa thu nhập trung bình của một người giao hàng.
Khác với giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc khó có khả năng tung ra gói kích thích quy mô lớn để đối phó với tình trạng xuất khẩu sụt giảm. Khi đó, hơn một phần ba lao động nhập cư – tương đương hơn 80 triệu người – làm trong lĩnh vực sản xuất, khiến quy mô thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn.
Trừ khi xuất hiện các cuộc biểu tình diện rộng, chính quyền Trung Quốc vẫn giữ quan điểm lâu nay: Lao động phổ thông – do thiếu kỹ năng – cần linh hoạt thích nghi. Mất việc sản xuất thì có thể chuyển sang dịch vụ, hoặc trở về quê làm nông. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, ước tính có khoảng 20 triệu lao động nhập cư đã quay về nông thôn. Quan điểm này nhiều khả năng sẽ không thay đổi chỉ vì chính sách mới của ông Trump.
Cuộc chiến thương mại hiện tại đang làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa tầng lớp tinh hoa và phần còn lại của xã hội. Với giới có kỹ năng và tài chính, các mức thuế quan của Mỹ gần như không ảnh hưởng đến cuộc sống – thậm chí còn mở ra những cơ hội đầu tư mới giữa lúc trật tự toàn cầu bị đảo lộn (chẳng hạn như tích trữ vàng). Trong khi đó, hàng triệu người khác chỉ càng thêm bất an về tương lai.
Bloomberg