"Canh bạc" crypto của El Salvador khép lại trong thất bại

"Canh bạc" crypto của El Salvador khép lại trong thất bại

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

14:47 10/03/2025

Canh bạc Bitcoin của El Salvador kết thúc trong thất bại, với những kỳ vọng đầy tham vọng nhưng lợi ích hạn chế. Để đổi lấy gói vay IMF, chính phủ buộc phải thu hẹp dự án crypto, chấm dứt giấc mơ biến Bitcoin thành tiền tệ quốc gia.

Từ khi Nayib Bukele lên nắm quyền năm 2019, El Salvador liên tục đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Những dấu hiệu cảnh báo không có gì mới: Nợ công và lãi suất cao, thâm hụt tài khóa ngày càng lớn; dự trữ USD cạn kiệt; đầu tư trì trệ, tăng trưởng GDP chậm chạp. Các cuộc đàm phán với IMF về một gói cứu trợ rơi vào bế tắc, trong khi những động thái công kích tư pháp, phe đối lập và truyền thông của ông Bukele càng làm lung lay niềm tin của giới đầu tư.

Chưa dừng lại ở đó, tổng thống El Salvador còn theo đuổi một tham vọng gây tranh cãi, biến Bitcoin thành tiền tệ hợp pháp. Năm 2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận Bitcoin bên cạnh USD. Ông Bukele tuyên bố sẽ quay lưng với thị trường vốn truyền thống, thay vào đó huy động hàng tỷ USD thông qua trái phiếu blockchain. Ông lên kế hoạch mua 500 triệu USD Bitcoin, xây dựng một “thành phố Bitcoin” giữa rừng và khai thác năng lượng địa nhiệt để phục vụ cho việc khai thác Bitcoin. Phố Wall nhanh chóng quay lưng với hành động này. Vào mùa hè 2022, nhiều trái phiếu của El Salvador lao dốc xuống dưới 30 cent mỗi USD. Khi chính phủ bắt đầu hoãn trả lương khu vực công để bảo toàn nguồn tiền mặt, giới đầu tư chuẩn bị tinh thần cho một vụ vỡ nợ.

Nhưng El Salvador đã khiến tất cả bất ngờ. Ngày 26 tháng 2, IMF phê duyệt gói vay 1.4 tỷ USD, giải ngân trong 40 tháng. Để đổi lấy khoản tiền này, El Salvador cam kết thực hiện các biện pháp thắt chặt tài khóa và thu hẹp dự án crypto. Một sửa đổi pháp lý hồi tháng 1 đã loại bỏ nghĩa vụ thanh toán thuế bằng Bitcoin và biến việc sử dụng tiền mã hóa trong khu vực tư nhân thành tự nguyện.

Trên hành trình giành được thỏa thuận IMF, El Salvador thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc trả nợ. Một phần động lực của ông Bukele đến từ mong muốn chứng minh giới tài chính Phố Wall đã sai. Giá trái phiếu của quốc gia này phục hồi về ngang giá. Chính phủ tận dụng nguồn USD khan hiếm để mua lại trái phiếu với giá chiết khấu, giúp giảm đáng kể nghĩa vụ trả nợ trong tương lai. Thâm hụt tài khóa, từng chạm mức 10% GDP vào năm 2020, nay thu hẹp về 2-3% như trước đại dịch. Việc siết chặt thu thuế, dòng kiều hối mạnh mẽ và nền kinh tế phục hồi đã giúp tăng nguồn thu ngân sách, trong khi cắt giảm trợ cấp năng lượng và các chương trình hỗ trợ thời đại dịch giúp hạn chế chi tiêu.

Khoản vay từ IMF làm giảm nguy cơ khủng hoảng nợ, đặc biệt nếu mở đường cho thêm 2.1 tỷ USD tài trợ từ các tổ chức tài chính đa phương khác. Dù đã kiểm soát được thâm hụt, El Salvador khó có thể cầm cự lâu hơn nữa. Khi nợ công cao và tăng trưởng thấp, việc vay với lãi suất 12% như El Salvador đã làm đầu năm 2024 là không bền vững. Vỡ nợ quốc gia sẽ càng nguy hiểm hơn trong một nền kinh tế đô la hóa như El Salvador, nơi không có ngân hàng trung ương đóng vai trò người cho vay cuối cùng để ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng hoặc hiệu ứng lan truyền tài chính. Tiền gửi trong hệ thống ngân hàng nội địa một phần được bảo đảm bằng nợ chính phủ, đồng nghĩa với việc một vụ vỡ nợ có thể gây ra khủng hoảng tài chính, thậm chí đe dọa chính hệ thống đô la hóa của đất nước.

Bơm thổi rồi sụp đổ

Việc Bitcoin mất đi vị thế tại El Salvador có lẽ không phải là sự nhượng bộ, mà là một bước đi hợp lý. Ông Bukele từng quảng bá tiền mã hóa này như một công cụ giúp tiếp cận tài chính cho hai phần ba người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng và giảm chi phí kiều hối—một nguồn thu chiếm gần một phần tư GDP. Nhưng rào cản thực sự đối với tài chính toàn diện lại nằm ở quy mô nhỏ của nền kinh tế chính thức và mức độ hiểu biết kỹ thuật số thấp. Chi phí kiều hối cao không chỉ do hệ thống tài chính mà còn vì thói quen sử dụng tiền mặt của người Salvador—một lựa chọn vốn đã đắt đỏ lại càng tốn kém hơn do tình trạng tội phạm. Trong khi đó, chính phủ lại vội vã triển khai Chivo, ví điện tử quốc gia, khiến hệ thống đầy lỗi kỹ thuật và tràn lan các vụ đánh cắp danh tính chỉ để trục lợi khoản thưởng 30 USD bằng Bitcoin khi đăng ký.

IMF từ lâu đã cảnh giác với việc cho El Salvador vay tiền khi Bitcoin vẫn là đồng tiền hợp pháp, do giá trị biến động mạnh tiềm ẩn rủi ro tài chính và tài khóa. Quỹ này cũng lo ngại Bitcoin có thể bị lạm dụng cho các hoạt động phi pháp.

Theo IMF, El Salvador sẽ hạn chế các giao dịch và hoạt động mua bán Bitcoin. Tuy nhiên, dữ liệu blockchain cho thấy nước này vẫn tiếp tục mua khoảng 1.6 Bitcoin mỗi ngày kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Để tuân thủ điều kiện vay, El Salvador có thể sẽ phải giảm hoặc ngừng mua vào. Hiện tại, quốc gia này đang nắm giữ 6.102 Bitcoin, trị giá khoảng 550 triệu USD, bao gồm cả khoản lợi nhuận chưa thực hiện khoảng 250 triệu USD—một con số mà ông Bukele thường xuyên khoe khoang.

Dù có khoản lợi nhuận từ Bitcoin, crypto mang đến cho El Salvador nhiều chi phí hơn là lợi ích. Dù nhận được sự chú ý từ công chúng, dòng vốn đầu tư và du lịch liên quan đến crypto vẫn rất hạn chế. Những kỳ vọng về tài chính toàn diện hay thanh toán hiệu quả hơn đều không thành hiện thực, đồng tiền này chưa bao giờ thực sự được chấp nhận rộng rãi. Ngay cả vào năm 2022, khi làn sóng Bitcoin đang ở đỉnh cao, khảo sát của CID-Gallup cho thấy chỉ 20% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, và chỉ 5% thuế được thanh toán bằng tiền mã hóa. Các con số gần đây có lẽ còn thấp hơn nữa khi người dân vẫn ưa chuộng tiền mặt và thẻ thanh toán hơn.

Hơn nữa, chính sách này tiêu tốn tổng cộng 375 triệu USD, bao gồm chi phí triển khai Chivo, trợ cấp phí giao dịch, lắp đặt ATM Bitcoin và nhiều khoản khác, cao hơn nhiều so với khoản lợi nhuận từ Bitcoin, vốn có thể bốc hơi bất cứ lúc nào. Việc chậm trễ ký kết thỏa thuận với IMF vì thử nghiệm crypto cũng khiến mức độ rủi ro tín dụng của El Salvador luôn ở mức cao.

Dù vậy, ông Bukele vẫn duy trì tỷ lệ ủng hộ lên tới hơn 90%, nhưng không phải nhờ chính sách tiền mã hóa. Điều khiến ông được mệnh danh là “nhà độc tài được yêu thích nhất thế giới,” theo cách ông tự nhận, chính là cuộc đàn áp tội phạm không khoan nhượng, bất chấp những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và quyền con người. Tham vọng crypto của ông không giúp giải quyết những khó khăn kinh tế của El Salvador. Dù Bitcoin có thể vẫn được giữ như một tài sản dự trữ quốc gia, nhưng những ngày tháng của đồng tiền này với tư cách là tiền tệ hợp pháp đã kết thúc. Ông Bukele chỉ là một trong nhiều nhà lý tưởng hóa crypto phải chứng kiến giấc mộng của mình sụp đổ khi va chạm với thực tế.

The Economics

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Áp lực kép đè nặng lên USD: Thâm hụt, dòng vốn và kỳ vọng tăng trưởng
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Áp lực kép đè nặng lên USD: Thâm hụt, dòng vốn và kỳ vọng tăng trưởng

Đồng USD đang đối mặt với áp lực suy yếu khi định giá vẫn ở mức cao bất thường, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Mỹ có dấu hiệu chững lại. Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn cùng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm sút đang khiến đồng tiền này dễ tổn thương hơn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có thể bước vào một chu kỳ điều chỉnh sâu như từng thấy trong quá khứ.
Thị trường Mỹ có vẻ đã có đáy, nhưng quá trình phục hồi sẽ mất khá nhiều thời gian
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Thị trường Mỹ có vẻ đã có đáy, nhưng quá trình phục hồi sẽ mất khá nhiều thời gian

Sau cú sốc thuế quan bất ngờ từ Nhà Trắng hồi đầu tháng 4, thị trường tài chính Mỹ chao đảo trong làn sóng bất định và hoảng loạn. Tuy nhiên, những dấu hiệu mới đây cho thấy thời điểm tồi tệ nhất có thể đã qua. Khi chính quyền bắt đầu thúc đẩy đàm phán thương mại và các chỉ báo rủi ro như VIX hay bất định chính sách dần hạ nhiệt, nhà đầu tư kỳ vọng vào một giai đoạn ổn định hơn phía trước. Dẫu vậy, lịch sử nhấn mạnh: sự phục hồi sẽ không đến nhanh chóng, mà là cả một quá trình dò đáy chậm rãi và nhiều thử thách.
Thuế vi mạch: Giải pháp hay gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Thuế vi mạch: Giải pháp hay gánh nặng cho nền kinh tế Mỹ?

Chính phủ Mỹ đang xem xét áp thuế đối với vi mạch nhập khẩu, một bước đi có thể làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng thiết bị điện tử. Tuy nhiên, việc này không chỉ tác động đến giá thành của các sản phẩm công nghệ, mà còn có thể dẫn đến những hệ quả không ngờ, từ việc chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài cho đến ảnh hưởng đến sự tự cung tự cấp trong ngành công nghiệp vi mạch. Liệu thuế vi mạch có thực sự giải quyết được những vấn đề lớn như cạnh tranh với Trung Quốc và gia tăng sản xuất trong nước, hay chỉ đơn giản là một chiêu thức để đối phó với những thách thức toàn cầu hóa?
Đồng USD suy yếu: Mối nguy hiểm đối với lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Đồng USD suy yếu: Mối nguy hiểm đối với lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu

Sự suy yếu của đồng bạc xanh và các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đang dấy lên lo ngại lớn đối với lợi nhuận của các công ty, đặc biệt là tại châu Âu. Việc đồng bạc xanh rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm đã khiến các công ty xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, khi lợi nhuận từ thị trường Mỹ bị suy giảm khi chuyển đổi về các đồng tiền khác. Trong bối cảnh này, các chiến lược gia và nhà đầu tư đang tìm kiếm giải pháp cho những rủi ro mới, đặc biệt là trong mùa báo cáo lợi nhuận sắp tới.
Thị trường Mỹ giữa ngã ba đường: Phá đỉnh hay rơi về vực sâu?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Thị trường Mỹ giữa ngã ba đường: Phá đỉnh hay rơi về vực sâu?

Thị trường tài chính Mỹ đang rơi vào trạng thái lửng lơ khó đoán, ngay cả những ngưỡng kỹ thuật quen thuộc cũng mất đi ý nghĩa vốn có. Chỉ số S&P 500 chật vật trước mốc 5,450 như thể bị một bàn tay vô hình chặn lại, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dù có lúc sụt sâu vẫn ngoan cố bật lại quanh vùng 4.25%. Phải chăng thị trường đang chuẩn bị cho một cú rẽ lớn?
Khi nào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thực sự được giải quyết?
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Khi nào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thực sự được giải quyết?

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhận thấy lợi ích chiến lược khi trở lại bàn đàm phán thương mại. Mức thuế bổ sung 145% mà chính quyền Washington áp dụng đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với mức thuế đáp trả 125% từ phía Bắc Kinh, đều không thể duy trì lâu dài.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ