Bức tranh u ám của tài sản Mỹ dưới áp lực thuế quan và Fed

Quỳnh Chi
Junior Editor
Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ và USD đồng loạt sụt giảm vào đầu phiên giao dịch thứ Hai trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước tiến trình đàm phán thương mại của Mỹ với Nhật Bản và EU, đồng thời lo ngại những lời chỉ trích của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Đồng bạc xanh mất giá so với rổ tiền tệ chủ chốt, trong đó đồng Euro và Yên Nhật tăng giá đáng kể. USD/JPY lập đáy thấp nhất kể từ tháng 9. Trong khi trái phiếu chính phủ Mỹ xuống giá, các hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng lùi bước. Thị trường chứng khoán Nhật Bản mở cửa trong sắc đỏ đậm.
Sự điều chỉnh giảm của các tài sản Mỹ phản ánh xu hướng đảo chiều của chiến lược "America First" - chiến lược đầu tư vào các tài sản hưởng lợi khi nền kinh tế Mỹ vượt trội - sau khi Tổng thống Trump tăng thuế quan, gây rối loạn thị trường trái phiếu và xóa sổ hàng nghìn tỷ USD vốn hóa chứng khoán toàn cầu. Tuần trước, trong cơn thất vọng về việc Fed chưa hạ lãi suất, ông Trump đã công khai trên mạng xã hội rằng "sự ra đi" của Chủ tịch Fed Jerome Powell "không thể đến quá sớm!"
"Chúng tôi dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu," ông Win Thin, Giám đốc Chiến lược Thị trường Toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co., nhận định. "Áp lực lên tính độc lập của Fed đang ngày càng gia tăng. Việc thừa nhận rằng khả năng này đang được cân nhắc cần được xem xét một cách nghiêm túc và đánh giá tiêu cực."
Chỉ số Bất định Kinh tế Bloomberg tiệm cận mức cao kỷ lục
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot giảm 0.5%, nối dài đà giảm 0.7% của tuần trước.
Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch trong sắc đỏ do thất vọng trước quan điểm cứng rắn của Fed về việc không hỗ trợ thị trường. Tổng thống Trump đã chỉ trích Chủ tịch Powell trên mạng xã hội và sau đó tuyên bố với báo giới rằng ông có khả năng buộc Powell rời vị trí nếu muốn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông Trump có ý định sa thải người đứng đầu Fed hay chỉ mong muốn nhiệm kỳ của ông Powell kết thúc đúng hạn vào tháng 5/2026.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đã lên tiếng cảnh báo những nỗ lực nhằm làm suy yếu tính độc lập của ngân hàng trung ương, chỉ vài ngày sau khi ông Trump công khai bày tỏ sự bất bình với Powell.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard cảnh báo rằng nếu sa thải Powell, ông Trump sẽ làm tổn hại đến uy tín của đồng USD và gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết Fed có thể duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến do rủi ro lạm phát, nhưng vẫn không loại trừ khả năng cắt giảm trong năm nay.
Minh chứng cho xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Mỹ, Deutsche Bank AG tiết lộ các khách hàng Trung Quốc đã giảm một phần danh mục trái phiếu chính phủ Mỹ để chuyển sang trái phiếu châu Âu. Theo bà Lillian Tao, Trưởng bộ phận Bán hàng Vĩ mô Trung Quốc và Thị trường Mới nổi Toàn cầu của ngân hàng, trái phiếu chất lượng cao châu Âu, trái phiếu chính phủ Nhật Bản và vàng đang nổi lên như những lựa chọn thay thế tiềm năng cho trái phiếu chính phủ Mỹ.
Trong tuần này, các chỉ số PMI từ Nhật Bản đến châu Âu và Mỹ sẽ cung cấp bức tranh tổng thể đầu tiên về hoạt động sản xuất và dịch vụ kể từ khi chính sách thuế quan toàn cầu của ông Trump (hiện đã tạm hoãn một phần) được triển khai vào ngày 2/4. Các khảo sát kinh doanh của các nền kinh tế chủ chốt cũng nằm trong lịch trình công bố.
Mùa báo cáo tài chính doanh nghiệp Mỹ tiếp tục với Tesla và Alphabet - hai thành viên đầu tiên của nhóm "Magnificent Seven" - sẽ công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu điều chỉnh giảm do lo ngại tác động của chiến tranh thương mại do Mỹ dẫn đầu lên nhu cầu năng lượng toàn cầu, trong khi giá vàng tăng cao tiệm cận kỷ lục mới.
Bloomberg