Bessent có thể không phải là cứu tinh cho trái phiếu Kho bạc như nhiều người nghĩ

Bessent có thể không phải là cứu tinh cho trái phiếu Kho bạc như nhiều người nghĩ

Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

15:48 26/03/2025

Scott Bessent muốn lợi suất trái phiếu Mỹ giảm – điều đó ai cũng biết. Nhưng liệu ông có thực sự kiểm soát được thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới? Dù có thể tác động tạm thời bằng cách điều chỉnh cấu trúc nợ hoặc nới lỏng quy định ngân hàng, những biện pháp này chỉ giúp kéo dài thời gian chứ không thể thay đổi thực tế tài khóa.

Trong giới tài chính, câu châm ngôn "Đừng chống lại Fed" từ lâu đã nhấn mạnh quyền lực của Cục Dự trữ Liên bang trong việc kiểm soát thị trường. Nhưng giờ đây, một quan điểm mới đang nổi lên: "Đừng chống lại Bộ Tài chính của Bessent". Nhiều nhà đầu tư tin rằng Scott Bessent, với tư cách Bộ trưởng Tài chính Mỹ, có thể tác động mạnh mẽ đến lợi suất trái phiếu bằng các biện pháp như điều chỉnh cơ cấu phát hành nợ, nới lỏng quy định ngân hàng hay thậm chí gây áp lực lên Fed. Một bài báo gần đây trên Bloomberg đã tổng hợp những quan điểm này:

  • Trong vài tuần qua, các chiến lược gia lãi suất hàng đầu tại Barclays, Ngân hàng Hoàng gia Canada và Société Générale đã hạ dự báo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào cuối năm, một phần vì họ cho rằng chiến dịch của Bessent nhằm kéo giảm lợi suất sẽ có hiệu quả. Điều này không chỉ đơn thuần là lời nói, Bessent có thể hiện thực hóa chiến lược này bằng những hành động cụ thể như hạn chế quy mô đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 10 năm, ủng hộ việc nới lỏng các quy định ngân hàng để thúc đẩy nhu cầu mua trái phiếu hoặc hỗ trợ chiến dịch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Elon Musk.

Dù nhiều nhà đầu tư tin rằng Scott Bessent có thể kiểm soát lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, Unhedged tỏ ra hoài nghi về điều này. Đây là thị trường có quy mô khổng lồ, thanh khoản cao và tầm ảnh hưởng toàn cầu, chỉ đứng sau USD. Liệu một bộ trưởng tài chính có thể thực sự thao túng được nó? Dù Bessent có những công cụ như điều chỉnh cơ cấu nợ hay thay đổi quy định ngân hàng, chúng chỉ có thể tác động trong ngắn hạn. Thị trường trái phiếu không dễ bị bẻ cong, và về lâu dài, chính sách tài khóa vẫn là yếu tố quyết định.

Trước đây, Scott Bessent từng chỉ trích chiến lược tăng phát hành tín phiếu ngắn hạn và giảm trái phiếu dài hạn là “QE theo một cách khác” khi Janet Yellen áp dụng nó. Nhưng giờ đây, chính ông lại đi theo con đường đó. Theo Guneet Dhingra của BNP Paribas, Bessent có thể kéo dài chiến lược này lâu hơn thị trường dự đoán, giúp chính phủ Mỹ giảm chi phí vay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Nếu tình hình tài khóa không cải thiện, rốt cuộc chính phủ vẫn sẽ phải phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cao hơn.

Chiến lược tài trợ chi tiêu bằng tín phiếu ngắn hạn không thể kéo dài mãi mãi. Nếu phát hành quá nhiều, lợi suất tín phiếu có thể tăng cao hơn so với các công cụ ngắn hạn khác, khiến chính phủ phải trả lãi đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, theo Guneet Dhingra của BNP Paribas, vẫn còn dư địa để Mỹ duy trì cách làm này ít nhất đến cuối năm 2026, thậm chí 2027. Bản chất của chiến lược này là "câu giờ", kỳ vọng lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giảm khi lạm phát hạ nhiệt hoặc thị trường lạc quan hơn về tình hình tài khóa. Nhưng nếu những yếu tố đó không xảy ra, chính phủ sẽ sớm phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt hơn.

Một trong những cách Scott Bessent có thể tác động đến lợi suất trái phiếu là thay đổi quy định để khuyến khích các ngân hàng mua thêm trái phiếu Kho bạc Mỹ. Công cụ quan trọng ở đây là tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (SLR) – một chỉ số đo lường mức vốn mà ngân hàng phải nắm giữ so với tổng tài sản. Trong đại dịch Covid, Mỹ từng nới lỏng quy định này bằng cách loại trừ trái phiếu Kho bạc khỏi tính toán SLR, giúp các ngân hàng dễ dàng mua thêm. Dù chính sách này đã hết hạn vào năm 2021, theo Steven Kelly của Yale, các điều chỉnh tương tự có thể sắp quay trở lại. Nếu điều đó xảy ra, ngân hàng sẽ không cần giữ quá nhiều vốn để nắm giữ trái phiếu, khiến việc mua vào trở nên hấp dẫn hơn. Đây không khác gì một hình thức nới lỏng định lượng trá hình, chỉ khác ở chỗ người mua chính không phải Fed, mà là các ngân hàng thương mại.

Bessent cũng có thể gây áp lực để Fed tái khởi động nới lỏng định lượng (QE), nhưng điều đó không hề dễ dàng. Nếu thị trường trái phiếu Kho bạc rơi vào khủng hoảng – lợi suất tăng vọt, thanh khoản cạn kiệt – Fed chắc chắn sẽ can thiệp. Nhưng nếu chưa có dấu hiệu căng thẳng rõ ràng, việc thuyết phục Fed quay xe khỏi chính sách thắt chặt hiện tại là gần như bất khả thi. Khi chưa có đủ lý do để hành động, Fed sẽ không dễ dàng mở lại cánh cửa QE chỉ vì Bộ trưởng Tài chính muốn vậy.

Dù Scott Bessent đang nỗ lực giữ lợi suất trái phiếu ở mức thấp, nhưng thực tế là ông không có toàn quyền kiểm soát thị trường. Hầu hết các biện pháp mà ông triển khai – từ thay đổi cấu trúc nợ ngắn hạn đến điều chỉnh quy định để khuyến khích ngân hàng mua thêm Kho bạc – chỉ mang tính tạm thời, giúp trì hoãn áp lực tăng lợi suất chứ không thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Nếu tình hình tài khóa không được cải thiện, chính phủ sớm muộn cũng phải phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cao hơn. Các ngân hàng cũng sẽ không đổ xô mua Kho bạc nếu họ không thấy dấu hiệu rõ ràng về việc thâm hụt ngân sách được kiểm soát. Nói cách khác, Bessent không thể một mình xoay chuyển thị trường, và chìa khóa thực sự vẫn nằm ở chính sách tài khóa dài hạn.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bitcoin sẽ đi ngang đến bao giờ?
Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

Bitcoin sẽ đi ngang đến bao giờ?

Đà tích lũy của Bitcoin có thể sớm kết thúc khi sự phân kỳ giữa mức khối lượng mở tăng và funding rate âm báo hiệu khả năng xảy ra tình trạng bán khống.
Thuế quan Mỹ có nhưng tác động như thế nào đối với lạm phát và tăng trưởng của Vương quốc Anh?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Thuế quan Mỹ có nhưng tác động như thế nào đối với lạm phát và tăng trưởng của Vương quốc Anh?

Thuế quan đơn phương của Mỹ đã tạo ra một loạt những biến động khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với Vương quốc Anh. Dù lý thuyết kinh tế dự báo rằng USD sẽ tăng giá, tác động thực tế lại ngược lại, khiến cho các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh không chắc chắn.
Chuyển đổi kinh tế dưới thời Trump sẽ gây ra những hệ quả gì?
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Chuyển đổi kinh tế dưới thời Trump sẽ gây ra những hệ quả gì?

Dưới thời Trump, nền kinh tế Mỹ đối mặt với một chuyển đổi đầy thách thức, các chính sách thương mại và ngân sách có thể cải thiện tình hình dài hạn nhưng lại mang đến nhiều rủi ro ngắn hạn. Các mức thuế quan cao và quyết định liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng lạm phát đình trệ, gây khó khăn cho cả các công ty và thị trường tài chính. Bài viết phân tích sâu những nguy cơ này và tác động của chúng đến các tài sản rủi ro và tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Dự đoán giá: BTC, ETH, XRP, BNB, SOL, DOGE, ADA, LINK, AVAX, SUI
Diệu Linh

Diệu Linh

Junior Editor

Dự đoán giá: BTC, ETH, XRP, BNB, SOL, DOGE, ADA, LINK, AVAX, SUI

Đà tăng của Bitcoin được hỗ trợ bởi lực mua vững chắc từ các định chế trong các quỹ ETF BTC giao ngay. Một đợt tăng trên mức $95.000 có thể khó khăn, nhưng dự đoán giá cuối năm của các nhà phân tích hiện đã mở rộng lên $200,000. Một số altcoin nhất định đang cho thấy dấu hiệu tạo đáy giá.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ