Berlin mở van ngân sách: Cơ hội chiến lược cho các nền kinh tế láng giềng trong EU

Trà Giang
Junior Editor
Sau nhiều năm thận trọng với các cuộc đua trợ cấp công nghiệp trong Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia theo xu hướng kinh tế tự do như Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Cộng hòa Séc đang có dấu hiệu "đổi chiều".

Những nước từng lo ngại bị ngân sách khổng lồ của các nền kinh tế lớn như Đức hay Pháp áp đảo nay lại bắt đầu ủng hộ việc nới lỏng lâu dài các quy định về trợ cấp nhà nước của EU. Lý do không gì khác ngoài kỳ vọng rằng họ có thể hưởng lợi gián tiếp từ chương trình chi tiêu lên đến 1,000 tỷ euro mà chính phủ Đức – dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Friedrich Merz – sắp triển khai cho lĩnh vực quốc phòng và hạ tầng chiến lược.
Một nhà ngoại giao EU tiết lộ với Financial Times: “Chúng tôi không có lý do gì để phản đối khi cỗ máy đầu tàu của châu Âu – nước Đức – lại bắt đầu chuyển động mạnh mẽ”. Lập luận này phản ánh niềm tin ngày càng lớn rằng gói chi tiêu công quy mô lớn từ Berlin sẽ không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Đức mà còn tạo ra nhu cầu lan tỏa mạnh mẽ đối với các chuỗi cung ứng công nghiệp ở các quốc gia láng giềng – đặc biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp châu Âu đang chịu sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc và phải đối mặt với nguy cơ rào cản thương mại từ Mỹ.
Châu Âu từ lâu đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế trợ cấp nhà nước – với mục tiêu duy trì một sân chơi công bằng giữa các doanh nghiệp và ngăn chặn việc chính phủ sử dụng ngân sách để bảo vệ các ngành công nghiệp yếu kém hoặc tạo lợi thế thiên lệch. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã buộc Brussels phải thay đổi cách tiếp cận. Kể từ năm 2022, Ủy ban châu Âu đã tạm thời nới lỏng các quy định này để cho phép các quốc gia thành viên bơm vốn nhanh chóng vào các lĩnh vực được coi là chiến lược, đặc biệt là công nghệ xanh và hạ tầng thiết yếu.
Giờ đây, EU đang cân nhắc kéo dài cơ chế nới lỏng này đến năm 2030 – một bước đi được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho chính phủ Merz hiện thực hóa cam kết đầu tư khổng lồ. Dự kiến, các nước thành viên EU sẽ thông qua đề xuất gia hạn trong tháng 6 tới.
Theo ông Sander Tordoir, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Cải cách châu Âu (Centre for European Reform), nếu Berlin thúc đẩy hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp trong nước, điều đó sẽ kích hoạt nhu cầu mạnh mẽ đối với các nhà cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu và dịch vụ từ khắp châu Âu. “Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nền kinh tế nhỏ đang vật lộn để giữ chân sản xuất trước áp lực từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc và các biện pháp bảo hộ từ Mỹ,” ông nhấn mạnh.
Một xu hướng đang hình thành là các quốc gia nhỏ hơn bắt đầu tìm kiếm một “thỏa thuận chính trị” với Berlin – theo đó Đức không chỉ đầu tư trong nước mà còn thúc đẩy doanh nghiệp của mình xây dựng nhà máy và cơ sở sản xuất tại các nước khác trong EU. Mô hình này từng được Airbus triển khai, với các trung tâm sản xuất trải khắp Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh – vừa tăng cường hợp tác nội khối, vừa mang lại lợi ích phân bổ tương đối công bằng giữa các quốc gia thành viên.
Bernd Weber, Giám đốc Viện EPICO KlimaInnovation, cho rằng: “Dù phần lớn khoản đầu tư sẽ đổ vào công nghiệp Đức, nhưng các quốc gia khác trong EU vẫn sẽ được hưởng lợi vì chuỗi cung ứng ngày nay được tích hợp chặt chẽ trên quy mô toàn châu Âu”.
Điều đáng lưu ý là trong khi Đức có khả năng tài chính để triển khai gói hỗ trợ quy mô lớn, thì Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai của EU – lại đang bị hạn chế bởi tình trạng tài chính công căng thẳng. Trong khi đó, một số quốc gia nhỏ hơn như Bỉ, Hà Lan hay Đan Mạch lại có tỷ lệ sử dụng trợ cấp nhà nước trên GDP tương đối cao – cho thấy họ đã và đang tìm cách sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt để đối phó với áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước thành viên đều cảm thấy thoải mái với làn sóng chi tiêu mới của Đức. Tại hội nghị thượng đỉnh EU tháng trước, Thủ tướng Bỉ Bart De Wever đã thẳng thắn chỉ trích việc Đức và Pháp “đổ quá nhiều tiền” vào nền kinh tế của mình. Một người phát ngôn của Liên đoàn Doanh nghiệp Bỉ cho biết: “Chúng tôi lo ngại về nguy cơ mất cân bằng trong cạnh tranh. Việc gia hạn các quy định nới lỏng về trợ cấp nhà nước có thể làm suy yếu nguyên tắc thị trường chung”.
Dù vậy, ở phía khác của cuộc tranh luận, nhiều doanh nghiệp công nghệ xanh lại đang nhìn thấy cơ hội. Victor Van Hoorn, Giám đốc khu vực EU của Cleantech for Europe, gọi chương trình chi tiêu của Đức là “tín hiệu đầy hy vọng” cho các start-up trong lĩnh vực năng lượng sạch. Ông cho rằng Brussels cần tiếp tục đơn giản hóa các quy trình phê duyệt trợ cấp vì “hiện tại quá phức tạp và nhiều doanh nghiệp không biết phải bắt đầu từ đâu”.
Việc Đức chủ động triển khai một chương trình tái cấu trúc công nghiệp khổng lồ đang đặt ra những câu hỏi lớn cho EU: Liệu đây là khởi đầu cho một chính sách công nghiệp chung mới, nơi các nguồn lực tài khóa được sử dụng linh hoạt hơn để thúc đẩy công nghệ chiến lược? Hay liệu điều này sẽ dẫn tới một cuộc đua trợ cấp ngầm giữa các nước thành viên, phá vỡ nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong thị trường chung?
Dù kết cục ra sao, một điều gần như chắc chắn là cơn mưa nghìn tỷ euro từ Berlin sẽ làm rung chuyển cục diện tài chính – công nghiệp châu Âu trong thập kỷ tới. Và khi Đức tái khẳng định vai trò “nhà máy của châu Âu”, các quốc gia còn lại sẽ phải quyết định liệu họ sẽ là đối tác trong chuỗi giá trị mới – hay chỉ là người ngoài cuộc đứng nhìn.
Financial Times