Vị thế của đồng USD: Sức mạnh không đồng nghĩa với bất biến

Huyền Trần
Junior Analyst
Sự thống trị toàn cầu của đồng USD chưa bao giờ là điều được đảm bảo vĩnh viễn. Trong Our Dollar, Your Problem, Kenneth Rogoff cảnh báo rằng những rủi ro nội tại như thâm hụt ngân sách, bất ổn chính trị và can thiệp vào chính sách tiền tệ có thể âm thầm bào mòn niềm tin vào đồng bạc xanh. Nếu mất niềm tin, quyền lực tiền tệ của Mỹ sẽ suy giảm không ồn ào nhưng đầy hệ lụy.

Câu hỏi liệu đồng rúp có thể thay thế vai trò của đồng USD nghe có vẻ kỳ quặc khi đặt trong bối cảnh nước Nga đang bị cô lập và nền kinh tế của họ chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ. Nhưng chính vì điều đó, Kenneth Rogoff — cựu kinh tế trưởng IMF và hiện là giáo sư tại Harvard, đã chọn mở đầu cuốn sách Our Dollar, Your Problem bằng câu hỏi này.
Ngày nay, sự vượt trội của USD có vẻ hiển nhiên, nhưng vào những năm 1960-1970, mọi thứ không hề chắc chắn như vậy. Khi đó, khối kinh tế dưới sự dẫn dắt của đồng rúp đang tăng trưởng mạnh mẽ, đến mức nhiều nhà kinh tế tin rằng việc Liên Xô bắt kịp Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại: Liên Xô rơi vào trì trệ rồi tan rã. Nếu cuốn sách của Rogoff ra mắt vài tuần trước đây, câu chuyện về sự sụp đổ của một siêu cường từng cạnh tranh với Mỹ có thể bị xem là gượng ép. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi niềm tin vào vai trò toàn cầu của USD đang bị đặt dấu hỏi, lập luận của ông lại trở nên đầy sức nặng.
Chính quyền Mỹ, đặc biệt là dưới thời Donald Trump, đang làm suy yếu nền tảng mà USD đứng vững: Thương mại tự do, ổn định chính sách và niềm tin vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Lập luận cốt lõi của Rogoff — rằng vị thế bá chủ của đồng USD chưa bao giờ được bảo đảm và hoàn toàn có thể bị thay thế, giờ đây mang tính cảnh báo nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Rogoff không xa lạ với việc đưa ra những dự báo táo bạo rồi dần trở thành xu hướng chính thống. Trong thập niên 2010, ông cho rằng lạm phát và lãi suất thấp chỉ là hiện tượng tạm thời, quan điểm khi đó bị coi là thiểu số, nhưng được chứng minh đúng sau năm 2022 khi lạm phát và lãi suất đồng loạt tăng. Ông cũng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về bong bóng bất động sản và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Bài nghiên cứu Peak China Housing công bố năm 2020 đã chỉ rõ rủi ro và một năm sau, cú sập của Evergrande đã khiến thế giới chấn động.
Hiện tại, vấn đề lớn nhất ngăn cản đồng nhân dân tệ thay thế USD là sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc. Dù nước này đang tiến gần về quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng chậm lại đang cản bước họ. Ngoài ra, các yếu tố như kiểm soát vốn hay tỷ giá cũng là rào cản, dù về lý thuyết có thể vượt qua. Trước Trung Quốc, Nhật Bản từng có thời cơ cạnh tranh vị trí với Mỹ khi đồng yên lên ngôi vào những năm 1980. Tuy nhiên, bong bóng tài sản nổ tung đã đẩy nền kinh tế Nhật vào nhiều thập kỷ trì trệ và đồng yên cũng mờ nhạt dần từ đó.
Rogoff phân tích thuyết phục nhất khi đề cập đến cái giá mà các nền kinh tế nhỏ phải trả vì sự thống trị của USD. Từng làm việc tại IMF, ông có cái nhìn cận cảnh về những cuộc khủng hoảng tiền tệ, phần lớn xuất phát từ nỗ lực duy trì tỷ giá cố định với USD. Từ hiệp định Bretton Woods năm 1944, nhiều quốc gia buộc phải sao chép chính sách tiền tệ của Mỹ và kiểm soát dòng vốn để giữ tỷ giá ổn định, cái giá phải trả thường là các cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn. Lạm phát tại Mỹ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng ở khắp nơi. Cuối cùng, hệ thống đó cũng tan rã vào thập niên 1970.
Dù vậy, ý tưởng gắn tỷ giá với USD vẫn còn sức hút. Ở những quốc gia thường xuyên rơi vào vòng xoáy lạm phát như Argentina, Venezuela hay Zimbabwe, việc dựa vào USD được xem là biện pháp ổn định. Trước khi đồng euro ra đời, châu Âu từng nhiều lần thử cố định tỷ giá nội khối, nhưng đều thất bại vì tấn công đầu cơ. Hệ thống tỷ giá cố định tại Đông Nam Á trước khủng hoảng 1997 cũng từng bị vỡ trận khi dòng vốn đổ vào rồi rút ra đột ngột, gây ra hiệu ứng domino. Thậm chí, khủng hoảng tài chính Nga năm 1998, cũng do tỷ giá cứng nhắc là một trong những yếu tố đưa Vladimir Putin lên nắm quyền.
Tất cả những cú sốc trên đã dẫn đến hệ thống hiện nay, trong đó USD vẫn giữ vai trò trung tâm. Tuy nhiên, mô hình đã thay đổi. Khu vực đồng euro hoạt động với tỷ giá thả nổi. Còn tại châu Á và Mỹ Latinh, nhiều nước theo “đồng thuận Tokyo” một kiểu hệ thống trong đó ngân hàng trung ương tích lũy dự trữ USD để can thiệp khi cần thiết, nhưng không neo cứng tỷ giá. Đây là mô hình linh hoạt hơn và cho đến nay khá hiệu quả.
Rogoff cho rằng sự suy giảm của USD nếu xảy ra có thể diễn ra dần dần, chứ không nhất thiết phải là cú sụp đổ. Nhân dân tệ đã được Trung Quốc sử dụng để định giá thương mại ngày càng nhiều, buộc các đối tác trong chuỗi cung ứng phải tính đến đồng tiền này trong hệ thống tỷ giá. Trong tương lai, sự phát triển của tiền kỹ thuật số có thể làm gia tăng áp lực phi đô la hóa. Vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể mờ dần — một viễn cảnh mà cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ có lẽ đều không phản đối.
Điều đáng lo nhất, theo Rogoff, không nằm ở bên ngoài mà đến từ bên trong nước Mỹ từ thâm hụt ngân sách ngày càng lớn cho đến sự can thiệp chính trị vào Fed. Một sự sụp đổ niềm tin đột ngột đối với đồng USD từng bị coi là không tưởng. Nhưng cũng đã có thời, sự tan rã của Liên Xô bị xem là điều không tưởng như thế.
The Economics