USD suy yếu khi nhà đầu tư theo dõi chính sách tiền tệ và đàm phán thuế quan Mỹ

Huyền Trần
Junior Analyst
USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần khi nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu chính sách từ Fed và BoJ, đồng thời theo dõi sát tiến trình đàm phán thuế quan Mỹ - Nhật và Mỹ - Trung. Các ngân hàng trung ương lớn dự kiến giữ nguyên lãi suất, nhưng bình luận sau họp sẽ là trọng tâm. Chuyến thăm Fed hiếm hoi của Tổng thống Trump không tác động nhiều tới thị trường. Trong khi đó, đồng euro và AUD tăng nhờ kỳ vọng thương mại tích cực, còn bitcoin và Ethereum điều chỉnh nhẹ.

USD ổn định gần mức thấp nhất trong hai tuần vào thứ Sáu và đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong một tháng. Nguyên nhân đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước thời hạn đàm phán thuế quan của Mỹ, cũng như kỳ vọng về các cuộc họp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương diễn ra vào tuần tới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đều được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới. Tuy nhiên, giới đầu tư sẽ theo dõi sát các phát biểu sau cuộc họp để đánh giá khả năng điều chỉnh lãi suất trong tương lai.
Theo Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth của Úc, cuộc họp của BoJ sẽ đặc biệt được quan tâm để xác định thời điểm nâng lãi suất tiếp theo. Bà cho rằng khả năng tăng lãi suất của BoJ đang cao hơn, nhất là sau khi Nhật Bản đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, qua đó giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật xuống 15%.
Tỷ giá USD/JPY hiện ở mức 147.10 tăng khoảng 1% trong tuần – mức tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5. Trong khi đó, phần lớn chuyên gia được Reuters khảo sát dự đoán BoJ sẽ nâng lãi suất thêm 25 bps trong năm nay.
Chỉ số đô la Mỹ, đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chủ chốt, hiện ở mức 97.448 và được dự báo sẽ giảm khoảng 1% trong tuần – đánh dấu tuần yếu nhất trong vòng một tháng.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 2% vào thứ Năm, đúng như kỳ vọng. ECB tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài một năm để chờ thêm thông tin về quan hệ thương mại tương lai với Mỹ, sau khi Ủy ban châu Âu cho biết đang tiến gần tới một giải pháp đàm phán trước thời hạn ngày 1/8.
Tỷ giá EUR/USD hầu như không thay đổi, hiện ở mức 1.1754 chỉ thấp hơn không nhiều so với đỉnh gần bốn năm là 1.183 thiết lập hồi đầu tháng. Tính từ đầu năm, đồng euro đã tăng 13.5% nhờ chính sách thuế quan Mỹ khiến đồng USD kém hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại gần đây cũng thắp lên kỳ vọng về tiến triển trong đàm phán Mỹ - Trung. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết các quan chức hai nước sẽ gặp nhau tại Stockholm vào tuần tới để thảo luận khả năng gia hạn thời hạn đàm phán.
Tỷ giá AUD/USD được hưởng lợi từ tâm lý ưa thích rủi ro sau các diễn biến thương mại tích cực, hiện ở mức 0.6593 – tiệm cận mức cao nhất trong tám tháng đạt được hôm thứ Năm.
Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp hiếm hoi với Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Năm, trong đó ông chỉ trích chi phí trùng tu hai tòa nhà trụ sở của Fed và tiếp tục gây áp lực yêu cầu giảm lãi suất. Tuy nhiên, thị trường tài chính gần như không phản ứng trước chuyến thăm này vì đã quá quen với các phát ngôn chỉ trích Fed của ông Trump.
Theo Prashant Newnaha, chiến lược gia lãi suất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại TD Securities, chuyến thăm của Trump mang tính biểu tượng nhiều hơn là có tác động thực tế. Ông nhấn mạnh rằng thị trường đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp của Fed vào tuần tới.
Tại cuộc họp này, 19 nhà hoạch định chính sách được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khoảng 4.25% - 4.50%. Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ giảm tổng cộng 43 bps lãi suất vào cuối năm 2025.
Ngân hàng ANZ dự đoán Fed sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tháng 12. Trong báo cáo mới nhất, các chiến lược gia của ANZ cho biết nếu không có bất ổn từ thuế quan, Fed đã có thể nối lại chính sách cắt giảm lãi suất. Họ lập luận rằng thị trường lao động đang suy yếu, lạm phát dịch vụ đã giảm rõ rệt, tăng trưởng nhu cầu đã chậm lại và chưa có dấu hiệu nào cho thấy thuế quan cao đang gây ra làn sóng lạm phát lan rộng.
Trên thị trường tiền mã hóa, bitcoin giảm 0,79% xuống còn 117.840 USD, trong khi Ethereum giảm 2% xuống 3.655 USD.
Reuters