Trước 'cơn bão' thuế quan, Thủ tướng Starmer học gì từ lịch sử để ứng phó với Mỹ ?

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, chỉ một quyết định bất ngờ từ một cá nhân cũng đủ để làm thị trường chao đảo và khiến cả nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng. Vậy các nhà lãnh đạo khác nên phản ứng thế nào? Đây chính là bài toán mà Thủ tướng Anh Keir Starmer đang phải giải. Ông sẽ chọn cách cứng rắn như Australia, EU và Trung Quốc – công khai đe dọa đáp trả các chính sách thuế quan của Donald Trump? Hay sẽ đi theo hướng mềm mỏng như Israel và Nhật Bản – giữ thái độ hợp tác và tìm kiếm tiếng nói chung?

Nếu không quá căng thẳng, tình hình hiện tại có thể ví như một “thí nghiệm sống” kịch tính về cách các nhà lãnh đạo thế giới phản ứng trước một nhân vật khó đoán, hành xử ngoài khuôn khổ logic và chuẩn mực đạo lý.
Cho đến nay, Thủ tướng Anh Keir Starmer đang chọn cách tiếp cận thận trọng – và ông có đủ điều kiện để làm như vậy. Không giống các nhà lãnh đạo ở Canada hay Australia đang bước vào mùa bầu cử, ông không chịu áp lực chính trị ngay lập tức. Starmer cũng không trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Vì thế, ông không cần đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ để lấy lòng cử tri như Thủ tướng Canada Mark Carney hay Thủ tướng Australia Anthony Albanese đang làm để củng cố lợi thế chính trị.
Dù Donald Trump không được lòng người dân Anh, Thủ tướng Starmer hiện vẫn chưa phải chịu áp lực phải tỏ ra cứng rắn với ông. Tình hình có thể khác đi khi nước Anh tiến gần đến cuộc tổng tuyển cử – dự kiến trong 3 đến 4 năm tới. Nhưng hiện tại, ông vẫn còn nhiều thời gian và không gian chính trị để theo đuổi chiến lược lâu dài.
Chiến lược “giữ bình tĩnh và tiếp tục hành động” mà chính phủ Anh đang theo đuổi cũng mang lại một số thành công ban đầu. Dù không tránh được hoàn toàn các mức thuế mới của Trump, Anh ít nhất cũng chỉ bị áp thuế 10% – thấp hơn mức 20% áp lên Liên minh châu Âu. Điều này giúp phần nào giảm bớt lo ngại về tác động đến ngành công nghiệp ô tô và thép. Ngoài ra, việc Mỹ vừa thông báo tạm hoãn thực thi lệnh trừng phạt trong 90 ngày cũng là một tín hiệu tích cực.
Trump nói rằng Starmer “rất hài lòng” với các chính sách của mình – rõ ràng là nói quá. Tuy nhiên, dường như Trump lại xem Starmer, vốn là một cựu luật sư nhân quyền, như một đối tác thân thiện. Thỉnh thoảng, ông còn bất ngờ gọi điện cho Starmer chỉ để trò chuyện. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, Starmer buộc phải khéo léo điều chỉnh cách ứng xử với Trump, nhất là khi chính ông cũng thừa nhận rằng “toàn cầu hóa về cơ bản đã kết thúc”.
Đến nay, ông vẫn chưa đưa ra nhiều giải pháp cụ thể ngoài một số điều chỉnh nhằm giúp ngành ô tô trì hoãn quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0. Trong buổi họp báo hôm thứ Hai, Starmer tránh chỉ trích trực tiếp Trump và chỉ nhấn mạnh một thông điệp duy nhất: “Không ai hoan nghênh thuế quan”, đồng thời liên tục lặp lại hai từ khóa “bình tĩnh” và “thực tế”.
Đây có thể là chiến lược khôn ngoan – bởi lịch sử cho thấy việc duy trì mối quan hệ hợp lý với Tổng thống Mỹ là bài toán không hề dễ dàng với các Thủ tướng Anh. Kinh nghiệm xưa nay vẫn đúng: đừng quá lệ thuộc, nhưng cũng đừng hành động đơn độc.
Cuối thập niên 1960, Thủ tướng Harold Wilson khéo léo tránh gửi quân sang Việt Nam dù Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson nhiều lần tha thiết đề nghị – thậm chí chỉ xin “một tiểu đoàn”. Wilson từ chối một cách khéo léo, vừa giữ được quan hệ đặc biệt với Mỹ, vừa đóng vai trò trung gian hòa giải. Mặc dù không thể giúp kết thúc chiến tranh, ông vẫn được công nhận về khả năng ngoại giao linh hoạt.
Dù vậy, Wilson cũng phải trả giá trong nước. Dư luận cánh tả phản đối kịch liệt, các cuộc biểu tình lớn diễn ra với sự tham gia của những tên tuổi như Tariq Ali và nữ diễn viên Vanessa Redgrave. Một số nghị sĩ Công đảng cũng chỉ trích ông vì không lên án hành động của Mỹ. Sự mềm mỏng trong ngoại giao bị một bộ phận dư luận cho là “hai mặt” hay thậm chí “xảo quyệt”.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Wilson ngày nay đang được nhìn nhận lại theo hướng tích cực hơn – đặc biệt khi so sánh với người kế nhiệm ông từ Công đảng: Tony Blair.
Sau vụ khủng bố 11/9, Blair nhanh chóng ủng hộ Tổng thống George W. Bush đưa quân vào Afghanistan, rồi đến Iraq. Quyết định đó đã phủ bóng lên cả nhiệm kỳ của ông, làm suy yếu uy tín chính phủ và lu mờ những thành tựu đối nội. Câu hỏi đặt ra là: bao nhiêu sinh mạng – không chỉ của người Anh – đã có thể được cứu nếu Blair cũng giữ vai trò “cái phanh” như Wilson?
Nếu các biện pháp thuế quan mới của Mỹ gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Anh, Starmer cũng có thể đối mặt với áp lực chính trị tương tự. Một khảo sát gần đây cho thấy 51% người dân Anh muốn chính phủ có biện pháp đáp trả, trong khi chỉ 27% phản đối. Đảng Dân chủ Tự do – đảng lớn thứ ba – đang tận dụng cơ hội này để kêu gọi Starmer thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trump.
Dù vậy, phản ứng khôn ngoan là giữ bình tĩnh trước áp lực, tránh rơi vào khẩu chiến, nhưng đồng thời cũng không nên nhượng bộ mọi yêu sách từ Trump. Bởi như bài học từ Blair cho thấy, nếu để bị gắn mác “con rối của Mỹ”, uy tín chính trị sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Sau khi không thể tránh được làn sóng thuế đầu tiên, mục tiêu tiếp theo của chính phủ Anh là đàm phán nhanh một thỏa thuận thương mại với Mỹ để giảm thiểu tác động. Tuy nhiên, hy vọng này có vẻ không mấy sáng sủa. Trong khi đó, Trump chắc chắn sẽ gây sức ép để Anh không liên kết kinh tế với Trung Quốc, EU hay các nhóm như Canada, Australia và Nhật Bản. Nhưng Starmer cần vững vàng – không thể để Trump định hướng chính sách thương mại của Anh.
Nick Thomas-Symonds – hiện là một thành viên chủ chốt trong chính phủ Starmer – từng viết trong tiểu sử Harold Wilson rằng: “Nếu đôi khi ông ấy trông như đang chọn sự thực dụng thay vì nguyên tắc, thì đó là bởi vì đúng là như vậy.” Và giờ đây, tinh thần đó cũng chính là kim chỉ nam hợp lý nhất cho Keir Starmer. Ông cần vững vàng trước mọi áp lực, học theo bản lĩnh ngoại giao của Wilson, và luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Bloomberg