Mỹ: Nhà đầu tư không còn tin vào những lời hứa hoãn thuế

Mai Khánh Linh
Junior Editor
Thị trường tài chính Mỹ vừa phát đi thông điệp dứt khoát: Nhà đầu tư ủng hộ thương mại, không ủng hộ thuế quan. Chứng khoán Phố Wall đồng loạt tăng mạnh hôm thứ Hai sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày. Đây được xem là lời cảnh báo rõ ràng cho Nhà Trắng rằng các đòn áp thuế liên tiếp đang gây tổn thương lòng tin thị trường.

Thỏa thuận không đưa tình hình trở lại như trước. Hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ vẫn chịu thuế gần 40%, giảm từ mức 145% trong tháng trước. Trung Quốc cũng áp mức thuế 10% với hàng hóa Mỹ, so với 125% trước đó. Bắc Kinh còn cam kết nới lỏng một số rào cản phi thuế – như kiểm soát xuất khẩu đất hiếm – để đáp lại động thái của Mỹ.
Điều khiến thị trường phấn khởi là việc giảm thuế lần này sâu hơn dự kiến – đặc biệt khi Tổng thống Mỹ chỉ vài ngày trước còn đề xuất mức thuế 80%. Nhưng nếu đàm phán đình trệ và thuế bị áp trở lại, đà phục hồi của thị trường có thể nhanh chóng đảo ngược. Ngay cả khi thuế duy trì ở mức "đình chiến", chúng vẫn đủ cao để cản trở thương mại song phương, làm tăng giá tiêu dùng và bóp nghẹt tăng trưởng.
Đằng sau “chiến thắng” chưa rõ ràng
Chính quyền Mỹ ca ngợi đây là một thành công. Tổng thống tuyên bố Trung Quốc đã “mở cửa hoàn toàn”. Nhưng thực tế, Bắc Kinh chỉ rút lại các biện pháp trả đũa ở mức tương ứng, chứ chưa có nhượng bộ đáng kể nào. Cùng thời điểm công bố thỏa thuận, Trung Quốc còn phát đi thông điệp về việc tăng cường công cụ đối phó thương mại vì lý do an ninh quốc gia.
Sự mơ hồ tiếp tục bao trùm khi các quan chức trong nội bộ chính quyền Mỹ vẫn chưa thống nhất mục tiêu. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent – người dẫn đầu đàm phán – nói với Bloomberg rằng cả hai bên đều “không muốn tách rời toàn diện”, mà chỉ nhắm tới việc “tách rời có chọn lọc” với các mặt hàng nhạy cảm như chip, dược phẩm, thép…
Dù vậy, một số quan chức khác lại ủng hộ việc tách rời sâu rộng hơn – không chỉ với Trung Quốc – với lý do rằng thương mại tự do và đồng USD mạnh đã khiến công nghiệp Mỹ suy yếu. Ngay cả Bessent – người được xem là ôn hòa – cũng nhấn mạnh mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, dù điều này không liên quan trực tiếp đến an ninh hay khả năng tự cường kinh tế.
Chiến tranh thương mại không được lòng thị trường – và cử tri cũng vậy
Dù còn nhiều tranh luận, điều không thể phủ nhận là: thị trường tài chính đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng chiến tranh thương mại gây hại cho nền kinh tế. Và khi tác động thực tế của các đòn “tách rời” bắt đầu lan rộng – làm tăng giá hàng hóa, làm chậm đầu tư và tổn thương thị trường việc làm – cử tri Mỹ sẽ cảm nhận rõ điều đó.
Càng sớm chuyển hướng sang chính sách thương mại ôn hòa, chính quyền Mỹ càng có cơ hội tránh gây ra một cú sốc kinh tế không cần thiết.
Bloomberg