Đồng bạc xanh hấp hối, ngưỡng 95.00 quyết định vận mệnh dài hạn; vàng "đắt xắt ra miếng", liệu có giá $4,000/oz?

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi chuyên gia Action Forex.

Bối cảnh chung
Làn sóng bán tháo tài sản Mỹ tiếp diễn mạnh mẽ khi niềm tin thị trường chao đảo trước áp lực chính trị ngày càng gia tăng lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Các chỉ số chứng khoán Mỹ chủ chốt đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên trên 4.4%. Chỉ số DXY cũng chạm đáy mới trong ba năm, tiếp tục đà lao dốc không phanh.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell trên mạng xã hội Truth Social, gọi ông là "kẻ thất bại thảm hại" và yêu cầu cắt giảm lãi suất "NGAY LẬP TỨC" để tránh suy thoái kinh tế. Những lời lẽ gay gắt của ông Trump đã làm gia tăng lo ngại về tính độc lập của Fed trong bối cảnh bất ổn leo thang do chính sách thuế quan của chính ông.
Cho đến nay, Fed vẫn kiên định trước áp lực chính trị, và nhiều quan chức ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ có bài phát biểu trong hôm nay. Họ được kỳ vọng sẽ lên tiếng bảo vệ quyền tự chủ của tổ chức và tái khẳng định cách tiếp cận dựa trên dữ liệu. Với bối cảnh chính sách hiện tại còn nhiều mù mờ, đặc biệt là về lập trường thương mại thay đổi liên tục của ông Trump, các quan chức Fed có thể sẽ một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm thông tin rõ ràng trước khi điều chỉnh chính sách.
Mặt khác, 90 ngày hoãn áp dụng "thuế quan đối ứng" của ông Trump vẫn tiếp diễn mà chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong các cuộc đàm phán. Ngay cả các cuộc đàm phán với Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng rơi vào bế tắc. Hôm thứ Hai, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố rằng chất lượng quan trọng hơn tốc độ trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Ông Ishiba cũng khẳng định sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi như tiêu chuẩn an toàn ô tô và khả năng tiếp cận thị trường nông nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato dự kiến sẽ tới Washington vào cuối tuần này để hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, với trọng tâm thảo luận xoay quanh các vấn đề tiền tệ.
Ngoài ra, căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục leo thang. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cứng rắn rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa bất kỳ quốc gia nào hợp tác với Mỹ theo cách gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nhìn chung, thông điệp này củng cố quan điểm cho rằng căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn chưa thể hóa giải, bất chấp những khoảng lặng tạm thời.
Phân tích kỹ thuật giá vàng (XAU/USD)
Giữa bối cảnh bất ổn này, vàng tiếp tục tăng giá mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn an toàn. Đà tăng kỷ lục của kim loại quý này không có dấu hiệu hạ nhiệt, với động lượng mạnh lên liên tục. Dưới góc độ kỹ thuật, giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng nếu duy trì được trên ngưỡng hỗ trợ $3,283. Mục tiêu tiềm năng tiếp theo sẽ là ngưỡng Fibonacci mở rộng 100% ($1,810 - $2,789 - $2,584) tại $3,563, xa hơn là ngưỡng 138.2% tại $3,938, tiệm cận mốc tâm lý $4,000.
Đồ thị XAU/USD khung ngày
Chỉ số DXY chạm đáy 3 năm, ngưỡng 95.00 quyết định vận mệnh dài hạn
Chỉ số DXY tiếp tục xuyên thủng hỗ trợ quan trọng vào đêm qua khi đà giảm gần đây tăng tốc, chạm mức thấp nhất trong ba năm. Đà bán tháo phản ánh làn sóng rút vốn khỏi tài sản Mỹ ngày càng gia tăng do niềm tin tiếp tục xói mòn. Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là những lời chỉ trích công khai liên tục của Tổng thống Trump nhắm vào Fed, gây suy yếu nghiêm trọng nhận thức về tính độc lập của ngân hàng trung ương này và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào uy tín chính sách của Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, việc hỗ trợ 99.57 (đáy năm 2023) bị xuyên thủng là một trong những tín hiệu quan trọng xác nhận sự tái thiết của xu hướng giảm từ 114.77 (đỉnh năm 2022). Nhìn chung, triển vọng ngắn hạn vẫn sẽ nghiêng về chiều giảm miễn là ngưỡng kháng cự 100.27 còn được giữ vững. Mục tiêu tiềm năng tiếp theo sẽ là ngưỡng Fibonacci 100% (114.77 - 99.57 - 110.17) tại 94.97.
Đáng chú ý, vùng hỗ trợ quanh mốc tâm lý 95.00 đặc biệt quan trọng vì gần với đường biên dưới của kênh tăng dài hạn bắt đầu từ năm 2011. Việc phá vỡ dứt khoát vùng hỗ trợ cứng này có thể sẽ kích hoạt một đợt giảm mạnh trong trung hạn. Chưa kể, điều đó cũng có thể báo hiệu sự kết thúc của xu hướng tăng rộng lớn hơn bắt đầu từ đáy năm 2008 tại 70.69. Một sự sụp đổ cấu trúc như vậy sẽ mở ra cánh cửa cho đà giảm kéo dài với mục tiêu trung hạn quanh vùng 89.20-90.00, cùng với nguy cơ rơi vào xu hướng giảm dài hạn mới trong những năm tới.
Đồ thị chỉ số DXY khung ngày
Đồ thị chỉ số DXY khung tuần
Đồ thị chỉ số DXY khung tháng
Phân tích kỹ thuật USD/JPY
Xu hướng trong ngày của USD/JPY vẫn nghiêng về chiều giảm. Song, việc vượt qua ngưỡng kháng cự yếu 141.60 sẽ đưa xu hướng trong ngày về trạng thái trung lập. Về cơ bản, đà giảm hiện tại từ 158.86 vẫn đang tiếp tục hướng tới ngưỡng hỗ trợ 139.57. Dự kiến hỗ trợ mạnh sẽ xuất hiện tại ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2% (102.58 - 161.94) tại 139.26, mở ra cơ hội phục hồi. Dẫu vậy, nếu thủng hỗ trợ này, cặp tiền có thể giảm sâu hơn trong trung hạn, hướng tới ngưỡng Fibonacci mở rộng 138.2% (158.86 - 146.52 - 151.20) tại 134.14.
Đồ thị USD/JPY khung 4H
Xét trên bình diện rộng hơn, xu hướng giảm từ 161.94 có thể xem là một mô hình điều chỉnh trong xu hướng tăng với điểm xuất phát là đáy năm 2021 tại 102.58, và nhịp giảm từ 158.86 là sóng thứ ba. Do đó, nếu phe mua thất thủ tại vùng hỗ trợ mạnh nêu trên, cặp tiền thậm chí có thể giảm về ngưỡng Fibonacci thoái lui 61.8% tại 125.25.
Đồ thị USD/JPY khung ngày
Action Forex