'Cơn địa chấn' từ chính sách thuế quan của Trump

Huyền Trần
Junior Analyst
Thị trường toàn cầu rung chuyển khi Trump công bố gói thuế quan mới, đẩy kinh tế Mỹ và thế giới đến bờ vực suy thoái. Nếu không đảo ngược chính sách, hậu quả có thể vượt khỏi tầm kiểm soát với thiệt hại lan rộng từ Phố Wall đến người lao động toàn cầu.

Sáng thứ Hai, thị trường tài chính toàn cầu chìm trong hoảng loạn. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lao dốc hơn 13%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1997. Tại châu Âu, chỉ số FTSE của Anh rơi xuống đáy một năm, trong khi DAX của Đức có lúc mất tới 10%. Khi thị trường Mỹ mở cửa, chỉ số S&P 500 tiếp tục giảm 4%, nối dài chuỗi lao dốc khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 5,400 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố gói thuế quan “ngày giải phóng” hôm 2 tháng 4.
Trước đó, giới đầu tư đã dần rút khỏi thị trường Mỹ. Châu Âu được hỗ trợ nhờ kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng, còn đà tăng cổ phiếu công nghệ đã nâng đỡ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế của Trump, vốn mạnh tay hơn dự kiến và sẽ đẩy thuế suất hiệu dụng của Mỹ lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ, không chừa bất kỳ đối tác nào. Câu hỏi cấp bách hiện tại là: Liệu ông Trump có thực sự nghiêm túc? Và nếu đúng, làm sao có thể định giá được tác động của việc nền kinh tế lớn nhất thế giới rút khỏi hệ thống thương mại toàn cầu?
Điều chắc chắn là các mức thuế mới làm tăng đáng kể nguy cơ suy thoái ở cả Mỹ và toàn cầu. Làn sóng bán tháo đang có nguy cơ lan rộng và mất kiểm soát. Tại Mỹ, trái phiếu rác chịu áp lực, các quỹ phòng hộ đối mặt với yêu cầu ký quỹ lớn, còn nhiều nhà đầu tư tổ chức có thể buộc phải rút khỏi các quỹ tư nhân kém thanh khoản. Chấn động từ thị trường Mỹ sẽ lan rộng khắp thế giới, tác động đến cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và tiền tiết kiệm hưu trí. Giá trị doanh nghiệp sụt giảm có thể kéo theo sa thải và mất việc làm.
Để tránh kịch bản tồi tệ hơn, Trump cần đảo ngược chính sách thuế quan. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn tỏ ra kiên định với con đường này. Dù Trump có nhắc đến khả năng đàm phán, ông cũng đồng thời đe dọa tăng thuế thêm với Trung Quốc. Quốc hội Mỹ hiện chưa đủ đồng thuận hay công cụ để can thiệp. Chính sách tài khóa cũng khó phát huy tác dụng do gánh nặng nợ công, biến động lãi suất trái phiếu và sự bất định về nguồn thu thuế quan. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng bị giằng co: Muốn cắt giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế nhưng lo ngại tạo ra lạm phát do tác động của thuế.
Phố Wall từng kỳ vọng rằng trong nhiệm kỳ hai, Trump sẽ tiếp tục chính sách cắt giảm thuế và giảm bớt các quy định để thúc đẩy kinh tế. Nhưng giờ đây, khi chính quyền ông chuyển sang tập trung vào chính sách thuế quan, tâm lý thị trường đang dần chuyển sang lo ngại. Tỷ phú Bill Ackman đã cảnh báo rằng nếu không dừng lại chính sách bảo hộ này, nền kinh tế có thể rơi vào một “mùa đông hạt nhân.” Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái trong thư gửi cổ đông. Giới ngân hàng, công nghệ và các tập đoàn lớn – những người có ảnh hưởng với tổng thống – cần gây sức ép để ông thay đổi hướng đi. Nhưng việc Trump có lắng nghe hay không vẫn là điều chưa rõ.
Nếu Nhà Trắng không sớm có động thái điều chỉnh, thị trường tài chính có thể tiếp tục rơi tự do trước khi chính phủ kịp phản ứng. Kể từ đại dịch, giá tài sản tại Mỹ đã bị đẩy lên quá cao. Một đợt điều chỉnh là cần thiết, nhưng nếu các chính sách thuế quan được duy trì, quá trình này có thể diễn ra một cách hỗn loạn và đầy rủi ro. Các lỗ hổng trong hệ thống tài chính ngầm (shadow banking) có thể bị kích hoạt bất cứ lúc nào.
Trump tin rằng việc đảo chiều dòng chảy thương mại và tài chính sẽ giúp nước Mỹ giàu mạnh trở lại. Nhưng chính những dòng chảy đó mới là nền tảng của sự thịnh vượng Mỹ suốt hàng chục năm qua. Nếu không kịp thay đổi, Trump sẽ sớm nhận ra rằng mình không thể đơn phương thay đổi quy luật kinh tế. Và cái giá cho sai lầm đó sẽ rất đắt – không chỉ riêng nước Mỹ mà cả thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Financial Times