Các đồng tiền Châu Á đang đối mặt với rủi ro suy giảm ngày càng lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại MUFG Bank.

Phiên giao dịch hôm nay, thị trường ngoại hối tiếp tục trải qua những biến động mạnh, với các đồng tiền G10 beta cao phục hồi đáng kể sau chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp kể từ tuần trước. AUD và NZD, cùng với NOK, là những đồng tiền có hiệu suất tốt nhất, đồng loạt tăng giá hơn 1% so với USD. Ngược lại, các đồng tiền Châu Á vẫn duy trì ở mức thấp. Sự phục hồi của nhóm tiền tệ G10 beta cao xuất phát từ việc khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư toàn cầu đã có dấu hiệu cải thiện. Chứng khoán Châu Á nhìn chung tăng điểm, nổi bật là tại Nhật Bản, nơi chỉ số Nikkei 225 tăng 6%. Dù vậy, ngay cả sau đà tăng trưởng ấn tượng này, Nikkei 225 vẫn chưa hoàn toàn phục hồi lại những tổn thất từ phiên giao dịch trước đó.
Chứng khoán Nhật Bản đã có một phiên giao dịch thành công sau những phát biểu từ chính quyền Trump, ám chỉ rằng “xứ sở hoa anh đào” có thể sẽ được ưu tiên trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới của Mỹ, đưa nước này lên vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia đang nỗ lực giảm nhẹ/xóa bỏ kế hoạch áp đặt "thuế quan đối ứng" 24% lên hàng hóa Nhật Bản, bên cạnh mức thuế 25% đối với ô tô và một số linh kiện. Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Scott Bessent, khẳng định: "Tôi kỳ vọng Nhật Bản sẽ được ưu tiên" trong số các đối tác thương mại nhờ vào tinh thần chủ động và hợp tác. Ông cũng bổ sung rằng Nhật Bản vẫn duy trì các rào cản phi thuế quan "ở mức khá cao", nhưng ông kỳ vọng vào một loạt cuộc đàm phán mang tính xây dựng và hiệu quả. Bên cạnh các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Bộ trưởng Bessent tiết lộ: "Hiện tại đã có khoảng 50, 60, thậm chí gần 70 quốc gia tiếp cận chúng tôi. Do đó, tháng 4, tháng 5, và có thể cả tháng 6 sẽ rất bận rộn".
Nhìn chung, những bình luận này đã gieo mầm hy vọng cho thị trường, rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra nhanh chóng và có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan về dài hạn, nếu chúng mang lại kết quả là việc giảm/xóa bỏ đáng kể thuế quan đối với các đối tác thương mại quan trọng. Song, Nhà Trắng đã nhanh chóng bác bỏ những đồn đoán rằng kế hoạch "thuế quan đối ứng" có thể bị trì hoãn 90 ngày trong quá trình đàm phán.
JPY suy yếu khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư toàn cầu được cải thiện. Những tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Nhật sẽ giúp giảm bớt rủi ro suy giảm đối với nền kinh tế Nhật Bản và củng cố dự đoán của thị trường về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm tiếp tục tăng lãi suất. Nhìn lại, những căng thẳng thương mại gần đây đã khiến thị trường gần như loại bỏ hoàn toàn khả năng BoJ tăng lãi suất trong năm nay, xuất phát từ lo ngại về những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Nhật Bản và toàn cầu.
Ở một diễn biến khác, trái ngược với tình hình tại Nhật Bản, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, khiến các đồng tiền Châu Á tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch hôm nay, ít nhất là tại thời điểm viết bài. Điển hình, tỷ giá USD/CNH đã chạm mức cao mới là 7.3669 (theo dữ liệu từ OANDA), tiệm cận vùng đỉnh nhiều năm. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định ấn định tỷ giá hối đoái hàng ngày trên mốc 7.2000 lần đầu tiên kể từ tháng 09/2023, làm dấy lên nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể đang cân nhắc việc phá giá Nhân dân tệ mạnh tay hơn nhằm bù đắp tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ lên nhu cầu xuất khẩu. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi chiến lược từ phía các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người từ trước đến nay vẫn ưu tiên giữ ổn định tỷ giá Nhân dân tệ. Như đã phân tích trước đó, Trung Quốc cũng được cho là đang xem xét việc đẩy mạnh các kế hoạch kích cầu nội địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, kết hợp với áp dụng thuế quan trả đũa, sẽ giúp giảm bớt áp lực phá giá lên Nhân dân tệ.
Hơn nữa, Nhân dân tệ vẫn đang chịu áp lực bán ra mạnh mẽ sau lời đe dọa từ Tổng thống Trump vào hôm qua, về việc tăng thêm 50% thuế suất đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại kế hoạch áp đặt thuế quan 34% lên hàng hóa Mỹ để đáp trả Washington. Nếu được thực thi, việc Mỹ tăng thêm 50% thuế quan này sẽ đẩy mức thuế trung bình áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc lên khoảng 114%. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc sẽ không dễ dàng nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố đầy cứng rắn: "Nếu Mỹ nhất quyết hành động theo ý mình, Trung Quốc sẽ kiên quyết chiến đấu đến cùng". Đồng thời, Trung Quốc kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp thương mại, bất chấp việc Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng "tất cả các cuộc đàm phán với Trung Quốc" sẽ bị chấm dứt nếu nước này không hủy bỏ kế hoạch áp đặt thuế 34% lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.
USD/CNY tiến sát mức trần của biên độ giao dịch hàng ngày (Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR)
MUFG Research